MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo: NH phải có 200 tỷ đồng vốn điều lệ đối ứng khi mở chi nhánh NH tại HN & TPHCM

29-06-2011 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo đó, NHNN quy định thành viên có quy mô vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng hiện nay chỉ có thể mở trên dưới 15 chi nhánh tại Hà Nội và Tp.HCM.

Các ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ khó mở nhiều chi nhánh tại hai địa bàn Hà Nội và Tp.HCM, theo quy định mà cơ quan quản lý đang xây dựng.

Sau quá trình chuẩn bị kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có bản dự thảo lần hai thông tư quy định về điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập, thay đổi tên, địa điểm và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại.

Như dự tính của những người trong cuộc trước đó, một loạt điều kiện và các rào cản kỹ thuật được đặt ra để tăng cường quản lý, hạn chế tốc độ mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại.

Theo nội dung dự thảo, để mở thêm chi nhánh mới, ngân hàng phải đảm bảo mức vốn điều lệ thực có không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định hiện hành; hoạt động kinh doanh có lãi trên cơ sở hạch toán riêng lẻ và hạch toán hợp nhất, trong năm trước liền kề năm đề nghị thành lập chi nhánh.

Ở một điều kiện khác, ngân hàng đó phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ trong thời gian 6 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị. Nếu như điều kiện về vốn pháp định và phải có lãi nói trên được cho là đương nhiên, thì điều kiện về tiêu chuẩn nợ xấu không hẳn thành viên nào cũng dễ đáp ứng.

Nhưng, điều kiện được chú ý hơn cả, được cho là một rào cản kỹ thuật khá cao đối với các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hiện nay. Đó là yêu cầu về vốn đối ứng với mỗi chi nhánh, đặc biệt là tại hai địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Tp.HCM.

Cụ thể, dự thảo đưa ra điều kiện số chi nhánh ngân hàng thương mại được thành lập phải đảm bảo: “200 tỷ đồng x N1 + 50 tỷ đồng x N2 < C”; trong đó “C” là vốn điều lệ thực có của ngân hàng thương mại; “N1” là số chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại thành phố Hà Nội và Tp.HCM; “N2” là số chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại nước ngoài và đơn vị hành chính ngoài thành phố Hà Nội, Tp.HCM.

Với điều kiện trên, nhiều thành viên có quy mô vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng hiện nay chỉ có thể mở trên dưới 15 chi nhánh tại Hà Nội và Tp.HCM, hoặc thấp hơn nếu mở rộng tại các địa bàn khác. Đây cũng là một điều kiện mở, đi cùng với lộ trình tăng vốn, tăng cường năng lực tài chính của mỗi thành viên.

Dự thảo thông tư cũng đưa ra quy định, sau thời gian 36 tháng kể từ ngày khai trương hoạt động, ngân hàng thương mại được phép thành lập chi nhánh ở nước ngoài, nhưng phải đáp ứng được các điều kiện như trên cũng như một số điểm bổ sung khác, như: hoạt động kinh doanh có lãi, trên cơ sở hạch toán riêng lẻ và hạch toán hợp nhất, trong 3 năm liền kề trước năm có đề nghị; có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng tại thời điểm đề nghị…

Về các phòng giao dịch, dự thảo thông tư xác định đây là bộ phận phụ thuộc chi nhánh của ngân hàng thương mại, hạch toán báo sổ, có con dấu, thực hiện một số giao dịch với khách hàng theo ủy quyền của chi nhánh.

Phòng giao dịch không được thực hiện các hoạt động sau: cấp tín dụng một lần cho một khách hàng vượt quá 5 tỷ đồng hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được bảo đảm toàn bộ bằng: tiền, vàng, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước; cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế, trừ dịch vụ đại lý chi trả kiều hối.

Được biết, hiện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện dự thảo này trước khi trình ban hành; việc tiếp thu ý kiến của các thành viên được xác định ở mốc trước ngày 4/7/2011.

Theo Vũ Ca
VnEconomy

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên