Đừng “chết” vì vàng ảo, tiền điện tử!
Trong khi nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì sàn vàng chui IMMS vừa bị đánh sập thì không ít người lao vào tiền điện tử, đang được quảng cáo như một kênh đầu tư tốn ít vốn nhưng làm giàu nhanh
Ngày 3-10, bà H., một nhà đầu tư vừa mất nửa tỉ đồng sau khi sàn vàng trái phép IMMS (trụ sở chính ở quận 1, TP HCM) bị đánh sập, khẳng định với chúng tôi là sẽ tiếp tục tìm sàn vàng khác chơi để gỡ gạc chứ quyết không “giải nghệ”.
Tan cửa nát nhà
Theo bà H., từ năm 2012, khi sàn vàng IMMS mới thành lập, bà đã tin tưởng mở tài khoản giao dịch đồng thời góp vốn đầu tư vài trăm triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Thời gian đầu, công ty làm ăn rất uy tín, trả lãi đều đặn nên bà yên tâm không làm hợp đồng hoặc ký giấy tờ ủy thác đầu tư, cứ đúng hẹn là chuyển tiền. Chỉ đến khi sàn vàng IMMS bị lực lượng công an triệt phá ngày 25-9, bà mới biết mình đã… sập sàn. Không chỉ mất vốn đầu tư, bà H. cũng không thể lấy lại được khoản tiền mở tài khoản giao dịch là 10.000 USD.
Chỉ trong vài năm tìm đến sàn vàng ảo, ban đầu là sàn OIIC (đã đóng cửa), sau đó chuyển sang IMMS, bà H. đã để “bốc hơi” khối tài sản gồm 300 cây vàng, 1.000 m2 đất và 2 căn nhà! Căn nhà cuối cùng đang ở, bà cũng đã thế chấp ngân hàng.
Dù thiệt hại nặng nề như vậy nhưng bà H. cho biết sẽ tiếp tục chơi vàng ảo chứ không bỏ cuộc. “Chừng đó tài sản đã bay theo những cơn lên xuống của giá vàng, giờ bảo bỏ thì biết lấy cơ hội nào mà gỡ? Tôi đang tính mượn thêm 5.000 USD tìm sàn khác chơi tiếp. Với khoản tiền này, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 15-20 triệu đồng trả nợ lãi ngân hàng” - bà H. quả quyết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người chơi vàng ảo số tiền nhỏ rất khó thắng lớn và thường xuyên bị chủ sàn vàng ép bằng cách điều chỉnh lịch sử giao dịch trên máy chủ, hoặc đang thắng nhưng giao dịch không khớp dẫn đến mất luôn cả tiền.
Như tại sàn IMMS, công ty chủ quản đã mua phần mềm giao dịch vàng tài khoản (MT4) ở nước ngoài về rồi tự tổ chức cho nhà đầu tư chơi. Khi chơi, nhà đầu tư nhầm tưởng là được giao dịch với tổ chức nước ngoài nhưng thực tế, IMMS không liên kết với nước ngoài. Công ty này cũng đồng thời là “nhà cái” nên có thể can thiệp vào quá trình giao dịch của người chơi hoặc dùng các thủ thuật để biến thắng thành thua nhằm kiếm lợi cho mình. Anh Thanh, một nhà đầu tư chơi vàng tài khoản có thâm niên gần chục năm ở TP HCM, cho biết những người như bà H. không ít nên mới có hàng ngàn tài khoản với tổng số vốn hàng trăm tỉ đồng giao dịch qua sàn vàng IMMS.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá hàng loạt sàn vàng không phép như VGX, Khải Thái, HGI, BBG và IMMS… Điều đáng nói là trong khi nhiều sàn vàng chui trong nước ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô thì một số sàn vàng ngoại (hoạt động dưới danh nghĩa văn phòng đại diện của các sàn quốc tế, được cấp giấy phép, chứng chỉ nước ngoài) vẫn hoạt động và không ngừng mời gọi người chơi.
Tiền điện tử “tung hoành”
Trong lúc nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì sàn vàng chui IMMS vừa bị đánh sập thì thị trường lại xôn xao với kênh đầu tư khác: tiền điện tử. Loại tiền ảo này đang được quảng cáo như một kênh đầu tư tốn ít vốn nhưng làm giàu nhanh chóng. Cơn sốt Bitcoin tạm lắng chưa lâu, nay Onecoin đang “tung hoành” và Gemcoin vừa xuất hiện cũng đang không ngừng chiêu dụ nhà đầu tư.
Nguyễn Phương - một người đang tìm kiếm nhà đầu tư, mở rộng mạng lưới người tham gia Gemcoin tại Nghệ An - khoe: “Gemcoin là loại tiền điện tử đầu tiên và duy nhất được bảo chứng bởi các tổ chức ở Mỹ. Chỉ cần số vốn ban đầu 1.000-2.000 USD là có thể đầu tư để kiếm lợi nhuận cao trong tương lai hoặc kêu gọi thêm nhiều người giúp nhanh chóng nâng giá trị đồng tiền này”. Chỉ riêng nhóm nhà đầu tư của Phương ở Nghệ An đã có khoảng 40-50 thành viên. Ở nhiều tỉnh, TP khác như TP HCM, Cần Thơ… các thành viên của Gemcoin cũng đang ráo riết tìm nhà đầu tư.
Ra đời sau Bitcoin và Onecoin nhưng Gemcoin có ưu thế nhờ được quảng cáo là “đồng tiền điện tử duy nhất có giá trị thực chất, được bảo đảm bởi công ty đá quý USFIA trị giá 15 tỉ USD (thuộc sở hữu của Quỹ Đầu tư AFG của Mỹ). Thông tin trên website của Gemcoin cho thấy đồng Gemcoin chính thức được giao dịch tại Mỹ với giá khởi điểm 0,05 USD ngày 1-9-2014 và đến nay giá mỗi Gemcoin là 0,2729 USD. “Bitcoin đã tăng giá 16.000 lần sau một thời gian ngắn, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào đồng tiền điện tử Gemcoin” - Gemcoin chiêu dụ. Thậm chí, những người tham gia còn được hứa hẹn nếu mời được nhà đầu tư khác vào Gemcoin sẽ nhận được phần thưởng là chuyến du lịch, xe hơi và cả cơ hội định cơ tại Mỹ (!?).
Trong khi đó, Onecoin cũng ra sức tìm kiếm khách hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông được một thành viên của Onecoin mời tham gia, giới thiệu đây là kênh đầu tư mới tuyệt vời. “Tiền ảo Onecoin đã rút kinh nghiệm từ bài học Bitcoin nên thuyết phục người mới về công ty, trụ sở hoạt động, có kiểm toán và báo cáo tài chính rõ ràng. Nhưng mấy ai biết nó ở đâu, có đọc được báo cáo tài chính? Tốt nhất là nên thận trọng?” - ông Hiếu cảnh báo. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, ông cũng không ít lần nhận được lời mời đầu tư với Onecoin đầy hấp dẫn. Với Onecoin, hình thức đầu tư giống như đa cấp vì càng mời được nhiều người tham gia càng được phí môi giới cao và tiền thưởng nhiều. “Nếu hám lợi và không tỉnh táo, chắc chắn sẽ có nhiều người dính bẫy” - ông Khánh cảnh báo.
Biến tướng huy động vốn trái phép
Theo ông Phan Dũng Khánh, một biến tướng ở các sàn vàng chui và dịch vụ tiền điện tử là huy động vốn trái phép với lãi suất cao, dưới dạng ủy thác đầu tư chứ không đơn thuần mở tài khoản giao dịch. Hoạt động này nhà nước không cho phép nên nhà đầu tư tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khẳng định: “Các sàn vàng chui hoặc những đồng tiền ảo (tiền điện tử) không được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Những người đầu tư vào đây sẽ không được bảo vệ khi xảy ra sự cố. Cách tốt nhất là người dân không nên giao dịch mà chuyển vốn đầu tư vào những kênh hợp pháp khác”.
Chơi tiền ảo như kinh doanh đa cấp!
Tiền điện tử hay tiền ảo có thể xem như một dạng “công cụ thanh toán” nhưng đôi khi người ta gán ghép chúng với một giá trị nào đó từ vàng bạc, đá quý, USD, euro... (như Bitcoin, Onecoin, Gemcoin) rồi tìm cách tạo ra và nâng cao giá trị bằng cách thúc đẩy lòng ham muốn.
Ở một số nước, tự do kinh doanh được mở rộng miễn là không vi phạm pháp luật. Vì thế, các cá nhân, tổ chức tạo ra tiền ảo rồi quảng bá khuyến khích người tham gia đổi tiền thật, tạo sự ham muốn để nâng cao giá trị. Thực tế, một số đồng tiền ảo trong thời gian ngắn đã tăng giá trị cao gấp nhiều lần.
Nhưng ai quảng bá, ai chấp nhận các đồng tiền này mới quan trọng. Ngân hàng, tổ chức, định chế tài chính chính thống của các nước đó công nhận hay chỉ có những nhà đầu tư trong cùng hệ thống với nhau? Rồi người trước được hưởng lợi nên lôi kéo người sau, người sau lại tìm cách bù đắp chi phí đầu tư, tìm lợi nhuận từ người kế tiếp... Số lượng các đồng tiền ảo luôn có giới hạn, nhà đầu tư tham gia đông thì giá sẽ lên, ít nhất là giá trong cộng đồng các nhà đầu tư loại tiền ảo đó!
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước không công nhận Bitcoin, Onecoin, Gemcoin như kênh thanh toán chính thức nhưng vì sao các loại tiền này vẫn có cửa hoạt động, nhiều người muốn tham gia? Lý do nằm ở chỗ các công cụ thanh toán điện tử ngày nay đều có ích cho hoạt động giao thương, có thể gán ép, nâng giá trị như một hình thức đầu cơ. Ai lại không muốn trở thành triệu phú đô la sau 1 năm với số vốn ban đầu chỉ bằng tiền nuôi vài con bò!? Và vì thế, đồng này bị mất giá, im hơi lặng tiếng sẽ có ngay đồng khác xuất hiện, “hay hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn”... Với cơ quan quản lý các nước, họ cũng thấy được những rủi ro và bất ổn của tiền ảo nên mới không công nhận.
Không có gì là dễ dàng, việc làm giàu cũng vậy. Các sòng bài giàu có là nhờ thỉnh thoảng có người thắng bài nhưng người thua thì vô cùng nhiều. Vấn đề là các “con mồi” chỉ được nghe kể về những người “chiến thắng”!
TS Huỳnh Trung Minh