MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá USD giảm mạnh, vàng vẫn chịu áp lực lên giá

22-06-2014 - 17:52 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN phải điều chỉnh tỷ giá vì nếu không, đầu cơ sẽ mua được giá USD rẻ từ ngân hàng và ra ngoài tự do bán giá cao, tức là đầu cơ sẽ sống trên lưng NHNN.

Sau 2 ngày NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ giá, giá USD cả trong ngân hàng lẫn thị trường tự do đều có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể.

Cụ thể đến cuối tuần này (ngày 21/6), giá USD tự do còn 21.300 – 21.350 đồng/USD, giảm 30 – 50 đồng so với ngày 19/6. Giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại còn 21.340 – 21.350 đồng và mua vào từ 21.245 – 21.290 đồng/USD, giảm từ 20 – 60 đồng so với ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, đồng thời cũng cách rất xa mức trần 21.458 đồng mà NHNN cho phép.

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng có trên 30 năm kinh nghiệm thì việc nới tỷ giá là quyết định đã được dự báo trước. “Hồi đầu tháng 5, khi sự kiện biển Đông bắt đầu, chúng tôi đã đề xuất NHNN nên tính tới can thiệp thị trường. Nếu như căng thẳng chưa được giải quyết thì tháng 6 phải điều chỉnh tỷ giá bởi tình hình này sẽ tạo ra tâm lý cho nhà đầu tư và thị trường ngoại hối những bất an. Nhà đầu tư, đầu cơ sẽ tạo sóng trục lợi”, vị chuyên gia nói.

Và thực tế đã chứng minh, trong hơn 1 tháng trở lại đây, thị trường ngoại hối liên tục “nổi sóng”. Giá USD ngoài thị trường tự do lên cao còn tỷ giá trong ngân hàng cũng liên tục neo ở mức kịch trần. Chênh lệch giữa giá USD trong và ngoài ngân hàng lên hơn 100 đồng. Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì chênh lệch gần như không còn.

Theo chuyên gia, dù từ đầu năm tới nay NHNN đã mua vào trên 10 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối hiện nay lên khoảng 30 – 35 tỷ USD song trong lúc tâm lý đầu cơ trục lợi vẫn bao trùm thị trường, tình hình biển Đông vẫn căng thẳng, NHNN không thể nào bán USD cho các ngân hàng để bình ổn thị trường như những lần trước. Bởi lẽ nếu NHNN tung USD ra lúc này không khác gì nuôi đầu cơ, vì đầu cơ sẽ mua được giá USD rẻ từ ngân hàng và ra ngoài tự do bán giá cao, tức là đầu cơ sẽ sống trên lưng NHNN.

Hơn thế nữa, dự trữ ngoại hối hiện nay có lên tới 50 tỷ USD đi chăng nữa thì cũng không nên bán USD ra lúc này. Trong lúc tình hình biển Đông còn căng thẳng, Nhà nước cần nắm giữ ngoại tệ vì chúng ta phải tính đến các bài toán kinh tế chẳng hạn như nhu cầu nhập khẩu…

Tựu chung lại, quyết định của NHNN đưa ra lúc này là kịp thời, hợp lý và là biện pháp tối ưu nhất. Thống đốc đã cam kết sẽ giữ ổn định tỷ giá và nếu điều chỉnh thì từ nay đến cuối năm cũng không quá 2%, vì vậy sau quyết định ngày 19/6, thị trường ngoại hối trong ngắn hạn chắc chắn sẽ ổn định.

Trong lúc USD đã được can thiệp thì tình hình thị trường vàng lại nóng lên, một phần do ảnh hưởng từ thị trường ngoại hối, và phần khác là do đà tăng của thị trường thế giới. Trong tuần, giá vàng thế giới đã lên trên 1.320 USD/ounce và tăng 3,3% trong cả tuần – tuần tăng tốt nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Giá vàng trong nước cũng đã vượt mức 37,2 triệu đồng/lượng lần đầu tiên trong vòng 1 tháng.

Theo một chuyên gia, giá vàng sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất là điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng giá vàng. Thứ hai là căng thẳng biển Đông nếu không được giải quyết sớm thì cũng tạo ra những bất ổn nhất định về tâm lý, làm tăng nhu cầu vàng. Thứ ba là tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới như Ukraine, Lybia, Iraq…sẽ làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn trong vàng của nhà đầu tư khắp thế giới.

Dù giá vàng có áp lực tăng song theo giới quan sát, vẫn chưa đến lúc NHNN phải can thiệp bởi thực tế giá vàng tăng những ngày qua không phải do cung cầu quyết định mà là do đầu cơ.  Hơn nữa, nếu có tính tới can thiệp, cơ quan quản lý cũng nên lựa chọn biện pháp nhằm tạo ra sự lưu thông giữa giá vàng trong nước và quốc tế, thay vì bán đấu thầu, để thị trường cân bằng hơn và cũng bớt các gánh nặng cùng rủi ro cho NHNN.


>>> Tâm điểm tỷ giá


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên