MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam so sánh với các nước khu vực

08-06-2014 - 10:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoại trừ Lào không có số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tỷ lệ % số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thấp hơn khuyến nghị

Vào năm 2000, ở Việt Nam, hạn mức trả tiền bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tối đa là 30 triệu đồng, tương đương với hơn 5 lần GDP bình quân đầu người, thuộc nhóm cao so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2005, hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng lên 50 triệu đồng. Và hạn mức này được duy trì đến nay đã 9 năm.

Việt Nam là quốc gia có hạn mức BHTG chậm được điều chỉnh nhất trong số toàn bộ các quốc gia trong khu vực. Hạn mức hiện tại ở Việt Nam đã được duy trì trong 9 năm. Trong khi đó, các quốc gia khác đã có động thái điều chỉnh hạn mức kịp thời, thậm chí một số nước đã điều chỉnh nhiều lần nhằm thích ứng với diễn biến phức tạp của hoạt động ngân hàng trong giai đoạn vừa qua.

Trong bối cảnh GDP bình quân đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, tỷ lệ “Hạn mức trả tiền bảo hiểm/GDP bình quân đầu người” trong mấy năm qua đã xuống thấp dưới 2 lần, tiêu chí tối thiểu theo khuyến nghị của cộng đồng quốc tế.

Để có được cái nhìn tổng quan về thực trạng hạn mức tại Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, bài viết so sánh hạn mức theo 4 tiêu chí: (1) giá trị tuyệt đối của hạn mức chi trả BHTG (tính theo USD); (2) tỷ lệ “hạn mức BHTG/GDP bình quân đầu người”; (3) thời gian tính từ lần điều chỉnh hạn mức BHTG gần nhất (tính theo số năm); (4) tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ.

Về tỷ lệ hạn mức BHTG/GDP bình quân đầu người, Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp, thấp hơn nước láng giềng Lào và thấp hơn tiêu chí tối thiểu 2 lần theo khuyến nghị của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, các nước đã bị tác động bởi khủng hoảng châu Á năm 1997 như Thái Lan và Indonesia đã tỏ ra rất thận trọng và duy trì tỷ lệ “Hạn mức/GDP bình quân đầu người” rất cao, tương ứng ở mức 266 lần và 45 lần.

Về giá trị tuyệt đối tính theo USD, hạn mức BHTG tại Việt Nam hiện tại đạt gần 2.400 USD, thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, hạn mức chi trả BHTG tại Lào là hơn 3.500 USD. Đặc biệt, Thái Lan sau khi rút kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 hiện đang duy trì hạn mức rất cao, lên tới 1,5 triệu USD.

Ngoại trừ Lào không có số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tỷ lệ % số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thấp hơn khuyến nghị tối thiểu 90% - 95% của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). Tỷ lệ này tại Việt Nam vào năm 2011 là 87%, so với mức 99% của Malaysia, Indonesia và Thái Lan; 97% của Philippines và 90% của Singapore.

Như vậy, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam đang ở mức thấp và việc điều chỉnh tăng hạn mức đang trở nên cấp thiết, góp phần ổn định thị trường tài chính và củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng tài chính quốc gia.

Từ thực tế đó, tại nhiều diễn đàn, đa số ý kiến đều cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Dưới đây, chúng tôi xin được trích dẫn một số ý kiến:

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Tôi cho rằng, hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng nay đã lạc hậu. Vì vậy, việc điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam sẽ được nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong thời gian tới. Hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được tính toán khoa học dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và năng lực của tổ chức BHTG. Cần nghiên cứu cơ chế chi trả bảo hiểm tiền gửi phù hợp khi xảy ra sự cố buộc BHTG Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm chi trả, đồng thời học tập kinh nghiệm quốc tế để quyết định hạn mức trả tiền bảo hiểm, đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch: Năm 2005, Chính phủ điều chỉnh hạn mức trả tiền BHTG từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đa số người gửi tiền trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng thời kỳ đó. Đây cũng là quyết sách phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là hạn mức trả tiền BHTG được duy trì cao gấp 5 - 6 lần GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế, yếu tố trượt giá, lạm phát… và lượng người gửi tiền với số dư tiền gửi lớn hơn 50 triệu đồng là rất nhiều, nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng thì rất nhiều người sẽ mất tiền. Do đó, Chính phủ cần xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên gấp 3 lần hiện tại để tạo tâm lý yên tâm cho người gửi tiền.

Giám đốc Quỹ TDND Bảo Tín - TP Hà Giang Ninh Quốc Chính: Dân trên địa bàn TP Hà Giang chủ yếu là tiểu thương, hoạt động đa ngành nghề với mức thu nhập khá dư dả. Theo thống kê tại quỹ, số tài khoản tiền gửi có số dư trên 50 triệu đồng hiện chiếm khoản 70%. Như vậy, nếu xét trên mặt bằng chung hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng được áp dụng từ năm 2005 là không còn phù hợp. Để kích thích quá trình huy động vốn nhàn rỗi, đồng thời gia tăng niềm tin của người dân khi gửi tiền vào các Quỹ TDND, đề nghị Chính phủ xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - Quận 8, TP Hồ Chí Minh: Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, khi mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao, nhu cầu gửi tiền cũng tăng thì quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng quá thấp. Theo tôi, hạn mức này nên nâng lên 200 - 300 triệu đồng.

Ông Đỗ Cao Cước - Thị trấn Trần Cao, tỉnh Hưng Yên: BHTG Việt Nam đã chi trả đầy đủ cho người gửi tiền tại Quỹ TDND Trần Cao khi xảy ra đổ vỡ. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm tin tưởng vào chính sách BHTG. Tuy nhiên, lượng người gửi tiền có số dư tiền gửi lên đến 100 - 200 triệu đồng như tôi trên địa bàn rất nhiều. Chính vì vậy, đề nghị xem xét nâng hạn mức trả BHTG lên 100 - 200 triệu để chúng tôi yên tâm gửi tiền tại các Quỹ TCTD.

>>> Van an toàn cho hệ thống ngân hàng


Theo Mai An

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên