MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy cẩn trọng với thẻ tín dụng

25-09-2014 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường thẻ Việt Nam là thị trường năng động nhất thế giới và đang bước vào cuộc đua cạnh tranh không khoan nhượng giành giật thị phần giữa các ngân hàng, cả nội lẫn ngoại.

TS. Châu Đình Linh
TS. Châu Đình Linh
Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM
51 bài viết
  • Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
  • Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm

Theo báo cáo của Euromonitor International 2013, thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam sẽ duy trì tình hình khả quan với sự tăng trưởng ở 2 con số cho các năm tới. Còn công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ Research & Markets cho biết, thị trường thẻ Việt Nam là thị trường năng động nhất thế giới và đang bước vào cuộc đua cạnh tranh không khoan nhượng giành giật thị phần giữa các ngân hàng, cả nội lẫn ngoại. Sự tăng trưởng này được định hướng và điều tiết bởi NHNN để thực hiện chiến lược phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Hơn 10 năm về trước, cột mốc được coi là điểm khởi đầu của thị trường thẻ ngân hàng, khi đó chỉ mới có 2 loại thẻ nội địa dùng trên máy ATM là Connect 24 của Vietcombank và F@st Access của Techcombank với tổng số lượng phát hành đạt 234.000 thẻ (kể cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế). Nhưng cho đến nay, năm 2014, số lượng thẻ phát hành đã gấp 282 lần và luôn duy trì tỷ lệ tăng trưởng rất cao hằng năm, có năm trên 300%.

Biểu đồ 1: Số lượng thẻ ngân hàng Nguồn: NHNN


Tính đến 30/06/2014, đã có 50 tổ chức tín dụng đăng ký phát hành thẻ, tổng số lượng thẻ phát hành ở mứctrên72,11 triệu thẻ, tăng trưởng hơn 9% so với năm 2013. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 92% tương đương 66,3 triệu thẻ, thẻ trả trước chiếm 4,22% tương ứng với 3,04 triệu thẻ, và còn lại 3,84% với khoảng 2,77 triệu thẻ là thẻ tín dụng.

Từ dữ liệu thống kê được biểu thị theo biểu đồ 1 có thể tạm kết luận:

Thứ nhất, từ những năm đầu phát triển thị trường, 100% thẻ ngân hàng đều là thẻ nội địa (thẻ ATM). Đến hơn 10 năm sau, tỷ lệ thẻ nội địa có sự sụt giảm, nhưng vẫn chiếm hơn 92% trong cơ cấu các loại thẻ. Điều này chứng tỏ, khoảng thời gian qua, các ngân hàng chỉ chạy theo số lượng thẻ nội địa và bất chấp trả lời cho câu hỏi “phát hành thẻ nội địa để làm gì?”. Cuộc chạy đua đó chẳng có ý nghĩa gì khi mà chỉ mới 20% dân số Việt Nam trên tổng 92 triệu dân có tài khoản ngân hàng.

Vì vậy, kết quả đạt được: Một là, số lượng thẻ phát hành chỉ tập trung ở những thành phố lớn; Hai là, tỷ lệ một người thành thị có trong ví từ 2 đến 3 thẻ nội địa trở lên là rất cao; Ba là, doanh số rút tiền chiếm 84%, chuyển khoản 15% và vỏn vẹn 0,3% giao dịch phát sinh tại các điểm chấp nhận thanh toán (2012). Sự phát hành ồ ạt thẻ ngân hàng và những chiếc thẻ “nằm im” đã dẫn đến sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.

Thứ hai, dư địa phát hành thẻ nội địa còn khá lớn với thị trường 80% ở nông thôn, đặc biệt là thị phần Gen Y tuổi từ 16 đến 18 (lứa tuổi chuẩn bị tự quản lý tài chính cá nhân khi tham gia các bậc giáo dục cao hơn hoặc tham gia thị trường lao động phổ thông). Do đó, các tổ chức tín dụng nên tập trung tiếp cận và khai phá thị trường thẻ đầy tiềm năng ở nông thôn.

Thứ ba, sự phát triển thị trường thẻ Việt Nam trong thời gian tiếp theo dường như sẽ hướng tới phân khúcthẻ tín dụng và thẻ trả trước, khi mà chỉ trong 4 năm, số lượng thẻ phát hành ra đạt những con số kỷ lục. Riêng thẻ tín dụngcó những con số đáng lưu tâm. Năm 2010, số lượng thẻ tín dụng đạt 440.000, nhưng một năm sau 2011, tỷ lệ tăng trưởng hơn 137%. Đến năm 2013 số lượng đã trên 2,43 triệu thẻ với tỷ lệ tăng trưởng hơn 87% so năm 2012, và chỉ 6 tháng đầu năm 2014 số lượng thẻ tín dụng đạt 2,77 triệu thẻ.

Vậy, có thể dự đoán, cuộc đua tiếp theo sẽ ở phân khúc thẻ tín dụng và thẻ trả trước, nhưng khốc liệt hơn cả chắc chắn ở sự giành giật và gia tăng thị phần của loại thẻ tín dụng. Sự phát hành ồ ạt của thẻ nội địa đã dẫn đến sự lãng phí tiền bạc. Còn sự phát triển ồ ạt và thiếu định hướng từ ban đầu của thẻ tín dụng sẽ dẫn đến điều gì?

Thẻ tín dụng và tiềm năng phát triển

Hiện nay, ở Việt Nam, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn khá phổ biến, chiếm hơn 90% giao dịch. Nên để thực hiện chiến lược phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà NHNN đề ra thì đòi hỏi trước hết là phát triển dịch vụ thẻ.Trong đó, sự đa dạng về chủng loại và phong phú về tính năng thẻ sẽ giúp tổ chức tín dụng dễ dàng tiếp cận lẫn đáp ứng nhu cầu tài chính của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mảnh đất màu mở tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy dịch vụ thẻ lại đang nằm trong phân khúc thẻ tín dụng. Nên ngân hàng nào ý thức được tiềm năng phát triển và xây dựng tính năng đa dạng của thẻ tín dụng, nhưng vẫn không bỏ qua hệ thống kiểm soát rủi ro thì có thể dẫn đầu thị trường về thị phần lẫn thương hiệu.

Một giải pháp tiếp theo không thể thiếu trong phát triển dịch vụ thẻ là xây dựng và kết nối các cơ sở hạ tầng thanh toán. Sau năm 2011, các ngân hàng chuyển trọng tâm từ ATM sang phát triển hệ thống thanh toán POS. Số lượng máy POS tăng nhanh lên 149.000 máy so với 70.000 năm 2011, và dự kiến hết năm 2014 đạt 200.000 máy. Đây là “bệ phóng” và cơ sở để các ngân hàng càng đặt niềm tin vào sự phát triển của thẻ tín dụng.

Tại các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, thẻ tín dụng là vật bất ly thân của người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ thuộc thế hệ Gen Y (sinh từ năm 1982 đến năm 2000). Khác với các chủng loại thẻ khác, thẻ tín dụng có một lợi ích không thể so sánh là cho phép người dùng thẻ thanh toán sản phẩm – dịch vụ bằng tiền ngân hàng và hoàn trả dần theo tháng. Ngoài ra, sử dụng thẻ tín dụng còn được hưởng nhiều lợi ích: linh hoạt, gọn nhẹ, là nguồn tài chính dự phòng, được ưu đãi giảm giá khi thanh toán và tham gia các chương trình khuyến mãitheo tính năng của thẻ.

Với ý nghĩa đó, tại Việt Nam, dân số hơn 92 triệu người, trong đó, thế hệ gen Y lên tới 33,8 triệu người và những người ở độ tuổi 30 – 54 hơn 32 triệu người. Thu nhập của thế hệ trên không ngừng cải thiện lẫn đòi hỏi chất lượng sống ngày càng cao nên nhu cầu tín dụng tiêu dùng cũng dần trở nên sôi động, đặc biệt là nhu cầu dịch vụ thẻ tín dụng.Có thể khẳng định, trong tương lai, thẻ tín dụng sẽ trở thành vật bất ly thân của người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là ở thế hệ Gen Y.


Biểu đồ 2: Số lượng ATM và POS Nguồn: NHNN


Hãy cẩn trọng

Với báo cáo của Research & Markets, thị trường thẻ Việt Nam là thị trường năng động hàng đầu thế giới, đặc biệt là ở phân khúc thẻ tín dụng – sự cạnh tranh ngày càng trở nên gây cấn hơn với sự nhập cuộc sôi động của các ngân hàng ngoại. Các ngân hàng nội lẫn ngoại đang từng bước lấp đầy và định vị trên các phân khúc thị trường theo thu nhập. Nếu bạn có thu nhập cao, chúng tôi luôn sẵn sàng với các loại thẻ tín dụng mang đẳng cấp toàn cầu. Còn bạn có thu nhập trung bình, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhu cầu tài chính tốt nhất thông qua nhiều loại thẻ tín dụng tương ứng. Hay bạn có thu nhập thấp, tất nhiên, cũng không sao, chúng tôi có loại thẻ tín dụng phù hợp với chi tiêu hàng tháng của bạn.

Có thể nói, chưa khi nào các ngân hàng nội lẫn ngoại lại ồ ạt chào mời khách hàng sử dụng thẻ tín dụng như thời điểm này. Sự chào mời ồ ạt cộng với những khuyến mãi tưng bừng khi “quẹt” thẻ đã thật sự tạo thành một làn sóng phát hành thẻ với số lượng lớn. Nhưng hãy cẩn trọng.

Tổ chức tín dụng phát hành thẻ - hãy cẩn trọng

Sự lãng phí của những chiếc thẻ nội địa “nằm im” trong tủ đã minh chứng một thời kỳ tăng trưởng nóng chạy theo thành tích và không đề cập hiệu suất của việc phát hành nhiều thẻ. Những chiếc thẻ nội địa được phát hành vô tội vạ thì cũng chỉ gây lãng phí tiền bạc của tổ chức phát hành. Nhưng những chiếc thẻ tín dụng phát hành “ồ ạt” thì có thể gây đại họa cho chính tổ chức phát hành, đó là nợ xấu.

Đơn cử, người viết đang sở hữu tổng cộng 5 thẻ tín dụng trong ví của các tổ chức phát hành Techcombank, Vietcombank, Citibank với tổng số tiền có thể sử dụng 110 triệu đồng. Và vẫn tiếp tục được các ngân hàng khác chào mời kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn.Vì vậy, sẽ tới lúc, một người thành thị sở hữu hơn 2 -3 thẻ tín dụng, giống như thẻ nội địa. Rồi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, theo đuổi phương châm “chất lượng quyết định, chứ không phải số lượng” và chú trọng hệ thống kiểm soát rủi ro, có thể sẽ giúp tổ chức phát hành phát triển dịch vụ thẻ bền vững hơn.

Bên cạnh đó, tính bảo mật và an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng cần được chú trọng. Theo đuổi số lượng, không quan tâm đúng mức chất lượng không những sẽ gây thiệt về tài sản cho tổ chức phát hành, mà còn tổn hại đến uy tín thương hiệu. Đặc biệt, khi mà tính bảo mật và an toàn sử dụng cũng được đưa vào thang đo chất lượng dịch vụ thẻ tín dụng. Nếu một người tiêu dùng bị tội phạm khai thác thông tin và hạn mức tín dụng của thẻ thì họ sẽ không bao giờ dám sử dụng thẻ bởi ngân hàng đó phát hành, và có thể là ngừng sử dụng các dịch vụ tài chính khác. Ngoài ra, hiệu ứng marketing truyền miệng từ chính khách hàng để cảnh báo cho người thân, bạn bè hoặc cộng đồng cảnh giác sẽ là thiệt hại về thương hiệu của ngân hàng phát hành.

Người tiêu dùng – hãy cẩn trọng

Với nguồn tài chính dự phòng từ thẻ tín dụng và tính tiện lợi khi mua sắm dễ làm cho người tiêu dùng quá đà trong chi tiêu. Đôi lúc, tỷ lệ chi tiêu từ thẻ vượt thu nhập hàng tháng của người sử dụng. Mang nợ, “sập bẫy” lãi suất cao và mất cân đối thu nhập – chi tiêu sẽ làm đảo lộn khả năng quản lý tài chính của một cá nhân.

Hiện tượng một người lao động thu nhập trung bình có trong ví trên 2 – 3 thẻ tín dụng tại các thành phố lớn là chuyện phổ biến. Tuy nhiên, việc quản lý chi tiêu khi sử dụng nhiều thẻ tín dụng trở nên khó khăn và dễ dàng mất kiểm soát khi lạm dụng quá đà các hạn mức tín dụng được cấp.Chưa kể, nợ xấu xảy ra và thể hiện trên CIC thì người sử dụng sẽ có lịch sử tín dụng không tốt, lúc đó rất khó để được xét duyệt các khoản vay lớn hơn.Bởi vậy, người sử dụng nên sử dụng 1 hoặc 2 thẻ tín dụng, mà tốt nhất tập trung chi tiêu – thanh toán bằng một thẻ duy nhất.

Tính bảo mật của thẻ tín dụng không chỉ được quan tâm bởi tổ chức phát hành mà kể cả người sử dụng.NHNN đã từng cảnh báo nhiều thủ đoạn của tội phạm thẻ tín dụng đến công chúng. Các đối tượng này mang theo thiết bị chuyên dụng, phần mềm đọc, in dữ liệu lên thẻ từ. Chúng móc nối với một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thông qua thiết bị POS thực hiện giao dịch thanh toán khống hàng hóa để rút tiền mặt.

Khi thực hiện hành vi tội phạm, các đối tượng thường sử dụng trái phép rất nhiều thông tin thẻ tín dụng để in làm thẻ giả, quẹt ngay qua máy POS liên tục trong thời gian ngắn để chiếm đoạt số tiền lớn. Hoạt động trên thường diễn ra vào khoảng thời gian từ 12h – 17 h và từ 20h đến 23h hàng ngày, mỗi giao dịch cách nhau từ 20 – 30 giây. Vì vậy, người sử dụng thẻ phải cẩn trọng, theo dõi biến động số dư qua SMS banking và có dấu hiệu nghi ngờ lập tức báo Trung tâm thẻ của ngân hàng phát hành để xử lý. Ngoài ra, người tiêu dùng thẻ cũng nên thận trọng khi thực hiện thanh toán online mua hàng trên các trang web chưa được minh chứng uy tín.

Đặc biệt, người sử dụng thẻ tín dụng cần tránh để lộ thông tin thẻ như số thẻ, mã cvv/cvc (3 số ở mặt sau của thẻ tín dụng) và tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ sử dụng. Để gia tăng tính an toàn khi sử dụng thẻ, người tiêu dùng nên ký tên ngay mặt sau của thẻ, đồng thời, ghi nhớ 3 chữ số cvv /cvc và xóa chúng trên thẻ.

Cẩn tắc vô ưu, vì vậy, cả ngân hàng phát hành và người tiêu dùng thẻ tín dụng phải cẩn trọng khi sử dụng.

>>> Việt Nam có phải là mỏ vàng của các công ty thẻ quốc tế?

Ths. Châu Đình Linh

hangnt

Tài chính Plus

Trở lên trên