MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF: Việt Nam cần một gói cải cách toàn diện đối với ngành ngân hàng

13-06-2014 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

IMF nhấn mạnh, rủi ro trong nước có thể trở thành hiện thực xuất phát từ những khó khăn của khu vực ngân hàng nếu không có một gói cải cách toàn diện đối với ngành ngân hàng.

Ngày 11/06/2014, Đoàn Tham khảo Điều IV Điều lệ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông John Nelmes làm trưởng đoàn đã kết thúc đợt công tác tham vấn với Việt Nam.

Theo đánh giá của Đoàn công tác, các thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua là đáng khen ngợi. Trong năm 2014, GDP thực dự kiến tăng 5,5%, xuất khẩu và FDItiếp tục tăng mạnh. Lạm phát chung đã giảm xuống mức giữa của lạm phát một con số và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2014. Dự trữ ngoại hối tăng đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Đoàn cho rằng triển vọng ngắn hạn là tích cực. Các chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn đã xử lý được rủi ro và củng cố các thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó việc NHNN cải thiện được quản lý thanh khoản, góp phần tích cực vào thành tựu chung đó, vị thế chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hiện nay là phù hợp chừng nào chưa có sức ép về lạm phát.

Về trung hạn, việc tiến dần tới sử dụng lạm phát làm neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ, cùng với cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Mặc dù triển vọng ngắn hạn là tích cực, nhưng vẫn còn có các rủi ro xuất phát từ việc thị trường toàn cầu biến động, lãi suất toàn cầu tăng, căng thẳng địa chính trị trong thời gian gần đây còn kéo dài. Hoạt động kinh tế trong nước vẫn còn trầm lắng do cầu yếu, tiến độ thực hiện cải cách khu vực DNNN chậm, những khó khăn trong khu vực ngân hàng là những yếu tố làm giảm đà tăng trưởng trưởng tín dụng.

IMF nhấn mạnh, rủi ro trong nước có thể trở thành hiện thực xuất phát từ những khó khăn của khu vực ngân hàng nếu không có một gói cải cách toàn diện đối với ngành ngân hàng, nhất là cải cách khuôn khổ pháp lý ngân hàng cùng tất cả các lĩnh vực liên quan, đồng thời với việc bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để tiến hành cải cách ngân hàng và xử lý nợ xấu.. Bên cạnh đó, cũng cần phải có một chính sách tài khóa trung hạn với mục tiêu giảm bội chi và nợ công tính trên GDP.

Đoàn đặc biệt lưu ý, trong trung hạn, cải cách cơ cấu có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững hơn. Trên cơ sở những thành công mà NHNN đã đạt được về giảm thiểu rủi ro hệ thống, cải thiện thanh khoản, tái cơ cấu, có thể đẩy nhanh hơn tiến độ cải cách ngân hàng với sự nỗ lực chung của các Bộ, ngành liên quan.

Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để có thể thực hiện cải cách lĩnh vực Ngân hàng hiệu quả, góp phần ngăn chặn kịp thời các rủi ro trong nước xuất phát từ những khó khăn của khu vực ngân hàng, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

>>> Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh trở lại


Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên