MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ít “tiền án” nợ xấu nhưng DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

24-09-2015 - 15:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng.

Theo thống kê của lãnh đạo Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam (DNNVV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì DNNVV nhỏ hiện nay chiếm tới gần 98% tổng số Doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng 51% lao động toàn xã hội; đóng góp hơn 40% GDP, với 31% giá trị sản xuất công nghiệp, 78% mức bán lẻ của ngành thương nghiệp, 64% khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa và quốc tế…

Tuy nhiên, theo đánh giá phần lớn số DNVVN đang rất yếu về năng lực tín nhiệm tín dụng và sức cạnh tranh.

Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của DNVVN giai đoạn 2010 – 2015 chỉ tương đương khoảng 36-38% tổng nguồn vốn của toàn bộ khối doanh nghiệp Việt Nam. Nghĩa là không đầy 3% số DN còn lại có qui mô vốn tự có tới 64 – 68%.

Ông Nguyễn Đại Lai – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) cho rằng, đây là những con số, những nghịch lý và những thách thức rất lớn đối với gần 98% là các DNVVN của Việt Nam!

Còn theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến thời điểm 30/6/2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các TCTD đối với DNNVV là 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với thời điểm 31/12/2014.

Ngoài ra, số lượng DNNVV được các TCTD cho vay ngày một tăng lên mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều DNNVV hoạt động cầm chừng, thu hẹp, thậm chí ngừng hoạt động, hàng tồn kho tăng, tỷ suất lợi nhuận ngày một giảm. Hiện nay, có khoảng 180.000 DNNVV đang có quan hệ tín dụng đối với TCTD.

Đánh giá của Hiệp hội ngân hàng cũng như CIC cho thấy, thực tế nợ xấu của ngân hàng đối với các khoản tín dụng của DNVVN rất thấp, nhưng DNVVN lại rất thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình.

“Trong khi Ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng. Thực tế, nhiều DNNVV chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác Ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền của mình” – Ông Đại Lai chỉ ra một trong các nguyên nhân khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng hiện nay.

Còn phía các DNVVN, nhiều đơn vị không xây dựng được phương án vay vốn khả thi, tiềm lực tài chính chưa cao và đặc biệt là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa Doanh nghiệp vay vốn với Ngân hàng do chưa tạo được đủ các tiêu chí minh bạch hoá thông tin để trao đổi qua kênh thông tin tín dụng chuyên nghiệp đã có (CIC) giữa Doanh nghiệp với Ngân hàng. Doanh nghiệp không chứng minh được thực trạng khả năng tài chính của mình.

Trong lúc nguồn sống chủ yếu của các Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt nam là vay để cho vay, nhưng việc tìm được những khách hàng đủ độ tín nhiệm tín dụng làm thoả mãn các nhu cầu tối thiểu của một bộ hồ sơ chuẩn vay vốn thì rất khó khăn.

Chính vì vậy ngoài các khách hàng thể nhân (hiện có khoảng hơn 14 triệu hồ sơ/tổng 49 triệu hồ sơ khách hàng thể nhân đang có dư nợ tại các NHTM), các khách hàng là các Doanh nghiệp lớn của Nhà nước và/hoặc các Doanh nghiệp có cổ đông tại các NHTM được vay khá dễ dàng thì nhiều DNVVN rất khó tiếp cận chỉ vì thiếu năng lực tín nhiệm về trả nợ, chứ không phải do các NHTM khó khăn, cửa quyền hay bắt chẹt bằng lãi suất cao.

“Trên thực tế, các DNVVN khó khăn trong tiếp cận tín dụng chủ yếu là do tính minh bạch thông tin tài chính còn thấp, phương án vay vốn mù mờ, không chứng minh được dòng tiền khả thi trong quá khứ cũng như hiện tại, không trả lời được doanh thu dự kiến và tiềm năng khách hàng truyền thống của doanh nghiệp ra sao” – Ông Lai kết luận.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên