MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế

21-04-2014 - 10:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian tới, để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn trong kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 là 12%-14%.

Ðây là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Ðặng Thanh Bình khi trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu.

- Mặc dù đã qua hơn ba tháng đầu năm 2014, nhưng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức rất thấp. Ðiều này cho thấy dòng vốn cho nền kinh tế vẫn chưa được khơi thông mạnh mẽ. Vậy đồng chí nhìn nhận như thế nào về việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp (DN) cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới?

Phó Thống đốc Ðặng Thanh Bình: Tín dụng đến cuối tháng 3-2014 tăng nhẹ 0,49% so với cuối năm 2013, đây là diễn biến bình thường theo tính quy luật hằng năm, tín dụng thường tăng cao trong tháng cuối năm, sau đó giảm hoặc tăng rất chậm vào những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tín dụng tăng chậm còn do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, nhu cầu vay vốn ngân hàng của DN còn thấp do đầu ra cũng còn khó khăn; một số DN khác không đủ điều kiện vay vốn...

Dù tín dụng cuối tháng 3 chỉ tăng 0,49%, nhưng diễn biến tăng trưởng tín dụng đã có chiều hướng tích cực: nếu tín dụng tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, thì trong tháng 3 tín dụng đã tăng khoảng 1,68% so với tháng 2, phù hợp với xu hướng của những năm trước (tháng 3-2012 tăng 0,98%, tháng 3-2013 tăng 1,17%). So với cùng kỳ năm trước, đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng khoảng 11,59%, bằng với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh lạm phát so cùng kỳ tăng ở mức thấp (4,39%), tín dụng tăng trưởng thực đã có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, thứ nhất NHNN sẽ tiếp tục xem xét linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD; Thứ hai, tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay thu, mua, tạm trữ lúa, gạo để hỗ trợ cho nông dân; triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất hợp lý;

Thứ ba, thực hiện nhân rộng ra một số tỉnh, thành phố khác việc áp dụng mô hình chương trình kết nối ngân hàng - DN đã và đang triển khai có hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh; Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo các NHTM là DNNN đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Thứ năm, triển khai sản phẩm tín dụng cho vay liên kết bốn nhà trong lĩnh vực xây dựng nhằm gắn kết nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thầu, nhà đầu tư, tạo điều kiện hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần lưu thông hàng hóa, giải quyết lượng hàng tồn kho.

- Nợ xấu được xác định như một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc đưa vốn tới DN. Ðể đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Ðề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015" và Ðề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD". Xin đồng chí cho biết hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ tạo ra bước đột phá nào trong quá trình xử lý nợ xấu này?

Phó Thống đốc Ðặng Thanh Bình: Bên cạnh sự chủ động, tích cực của ngành ngân hàng, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, để tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015" và Ðề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD".

Quá trình xử lý nợ xấu có thể phát sinh những vướng mắc về cơ chế, chính sách và những vấn đề khác cần xem xét tháo gỡ kịp thời nhưng vượt quá thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương. Thông qua theo dõi, tổng hợp thường xuyên tình hình triển khai thực hiện Ðề án xử lý nợ xấu của các bộ, ngành và địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ kịp thời, đề xuất Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xử lý hoặc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời, xử lý, tháo gỡ những vấn đề phát sinh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để xử lý có hiệu quả nợ xấu của hệ thống các TCTD.

- Giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt đang cản trở tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Theo đồng chí, từ nay đến cuối năm, có thể hình dung bức tranh tái cơ cấu các TCTD sẽ như thế nào?

Phó Thống đốc Ðặng Thanh Bình: Các chủ trương, chính sách và biện pháp cơ cấu lại ngân hàng thực hiện thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định hệ thống tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo tiền đề đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD đề ra tại Quyết định 254/QÐ-TTg, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đánh giá thực trạng hoạt động của các TCTD trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra và kiểm toán độc lập nhằm tiếp tục xác định các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro để ưu tiên xử lý, cơ cấu lại. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, triển khai tái cơ cấu các TCTD hoạt động bình thường.

Thứ hai, hoàn thành căn bản nội dung cơ cấu lại tài chính đối với TCTD với trọng tâm là xử lý nợ xấu và tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động của TCTD, trong đó tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính; loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả, giảm bớt mức độ tập trung tín dụng vào một số ngành nghề, khách hàng vay lớn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng, kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị và tài chính của TCTD.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản trị thông qua việc ban hành các quy định nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng; phối hợp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước triển khai thoái vốn đầu tư trong các TCTD theo lộ trình đã được phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các hệ thống quản trị với trọng tâm là hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, lựa chọn một số NHTM đi tiên phong trong việc triển khai Basel II, từng bước xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các TCTD.

Thứ năm, yêu cầu các TCTD thực hiện rà soát toàn diện tổ chức và hoạt động của hệ thống mạng lưới để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố nhằm bảo đảm các đơn vị thuộc mạng lưới của tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật; tăng cường chất lượng và hiệu quả giám sát của các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các đơn vị mạng lưới của TCTD hoạt động trên địa bàn.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng, thể chế hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt của NHNN trong năm 2014. Theo đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách hướng dẫn Luật NHNN, Luật các TCTD, thúc đẩy tái cơ cấu, xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả, bền vững, đồng thời từng bước hoàn thiện các thiết chế, chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, NHNN cho rằng hoạt động tái cơ cấu ngân hàng trong năm 2014 sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả và sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD, tăng cường niềm tin của công chúng, nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Theo Hồng Anh

loanlt

Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên