Không điều chỉnh tỷ giá thêm đến đầu năm 2016
Dù không chính thức nói ra, nhưng NHNN dường như ngầm tuyên bố như vậy trong thông cáo phát đi hôm nay. Một cán bộ cao cấp của NHNN cũng xác nhận như vậy.
- 19-08-2015Thêm một bước đi quyết đoán nữa
- 19-08-2015NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND đã hợp lý chưa?
- 19-08-2015Các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh tỷ giá, lên tới 22.480 đồng
Sáng nay 19/8, NHNN bất ngờ quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.167 đồng lên 21.890 đồng/USD. Đồng thời biên độ tỷ giá được nới lên +/-3% thay vì mức +/-2%. Quyết định này đưa ra đúng 1 tuần sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần, tổng cộng 3% và biên độ tỷ giá cũng được nới lên 2 lần, từ 1% lên 3%. So với đầu năm, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại như vậy đã tăng xấp xỉ 5%, từ 21.458 đồng lên 22.547 đồng.
Cùng với việc điều chỉnh tỷ giá, NHNN cũng phát đi thông điệp rằng động thái này sẽ giúp tỷ giá VNĐ có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Bên cạnh đó, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Như vậy có thể thấy, dù không chính thức như các lần cam kết trước đây, nhưng NHNN đã ngầm tuyên bố tỷ giá sẽ không điều chỉnh nữa từ nay đến các tháng đầu năm 2016.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, quan điểm điều chỉnh tỷ giá lần này đúng là có ý nghĩa dài hạn như vậy.
Có chung cái nhìn như vậy về quyết định với tỷ giá lần này của NHNN, nhóm nghiên cứu của ngân hàng ANZ cho rằng, dường như NHNN Việt Nam đã chuẩn bị cho cả trường hợp Mỹ nâng lãi suất vào tháng 9 tới. ANZ đồng thời đánh giá quyết định của NHNN là rất tích cực, thể hiện rằng Việt Nam kịp thời phản ứng với chính sách tỷ giá của Trung Quốc.
Theo một chuyên gia, quyết định mạnh tay lần này cùng với thông điệp phát đi từ NHNN sẽ đập tan kỳ vọng tiếp tục phá giá tiền đồng của giới đầu cơ. Vị này bình luận thêm, trước mắt tỷ giá sẽ tăng mạnh, tuy nhiên thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại.
Trong một nhận định vừa cập nhật, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, thị trường ngoại hối trong nước sẽ sớm cân bằng lại nhờ sự linh hoạt của NHNN. Hạ giá tiền Đồng tương ứng với diễn biến trên thế giới sẽ giúp dự trữ ngoại tệ của Việt Nam được bảo vệ và ổn định lại tâm lý trên thị trường. Trong ngắn hạn, sự kiện này có thể đem đến tác động tiêu cực trên các thị trường tài chính, nhưng sẽ là cú hích trong trung và dài hạn.
Đề cập tới kịch bản nào cho tỷ giá sắp tới, các chuyên gia hầu hết cho rằng, cho đến thời điểm này thì có thể yên tâm hơn vì NHNN sẽ điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường (đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Và áp lực lên tỷ giá thời gian tới, dù có, cũng không còn quá nặng nề.
TS. Phan Minh Ngọc đưa ra 4 kịch bản sẽ tác động lên tỷ giá VNĐ bao gồm: (1) Trung Quốc thôi không phá giá và Fed chưa vội nâng lãi suất; (2) Trung Quốc không phá giá nội tệ nhưng Fed nâng lãi suất; (3) Trung Quốc phá giá nhưng Fed giữ lãi suất; và (4) Trung Quốc “nuốt lời” như họ đã từng làm trong 2 lần phá giá nhân dân tệ trước đây và Fed nâng lãi suất ngay trong tháng 9.
Trong ba trường hợp đầu tiên, áp lực lên Việt Nam là chắc chắn, nhưng kịch bản thứ tư mới là xấu nhất. Nếu kịch bản này xảy ra, theo TS.Ngọc, lúc đó, dù muốn hay không thì nhiều nước sẽ bị cuốn vào một cuộc đua, chủ động và bị động, phá giá nội tệ mà thực chất là chiến tranh tiền tệ mặc dù không ai muốn gọi đúng tên của nó trong thời buổi này. Khi đó, Việt Nam chỉ là một nền kinh tế quá nhỏ, quá yếu ớt để biến mình thành một ốc đảo bình yên đứng vững giữa cơn lốc phá giá của các nước xung quanh và trên thế giới.
Đánh giá về quyết định tỷ giá ngày 19/8, TS. Ngọc cho rằng đây là một hành động quyết đoán và đáng hoan nghênh của NHNN. Sự nới lỏng tỷ giá không chỉ bằng việc nâng trần biến động quanh tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà còn điều chỉnh trực tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tạo ra cho NHNN ở một vị thế mới, phá bỏ mọi ràng buộc, hoàn toàn chủ động đón đầu các diễn biến bất lợi do các quốc gia khác mang đến. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ và/hoặc Fed có nâng lãi suất USD thì NHNN không còn ở thế bị động, lúng túng bởi một trói buộc nào đó nữa, mà họ đã biết sẽ phải làm gì, sẵn sàng có hành động đáp trả theo những kịch bản thích ứng.
Ngân hàng ANZ trong khi đó cho rằng, với việc nới biên độ, VNĐ có thêm dư địa để giảm giá hơn nữa mà không đặt áp lực phải can thiệp lên NHNN, dù dư địa đó có đủ cho đến cuối năm hay không là điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên ngân hàng này cũng để ngỏ dự báo khả năng NHNN có thêm hành động, đặc biệt là nếu nhân dân tệ giảm mạnh hơn.