MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên cấm, chỉ nên hạn chế giao dịch vàng miếng

16-03-2011 - 10:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Lượng vàng trong dân khoảng 500 tấn, tương đương 22 tỷ USD. Nguồn vốn lớn này rất cần 1 cơ chế để khơi thông.

Hội thảo “Thị trường vàng Việt Nam- Những vấn đề đặt ra” với nhiều tham luận đóng góp ý kiến về cách thức tổ chức, quản lý thị trường vàng. Ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng công ty kinh doanh Vàng Ngân hàng Nông nghiệp kiêm phó chủ tịch thường trực hiệp hội KD Vàng- đã chia sẻ quan điểm về quản lý thị trường vàng vật chất ở nước ta, và các cách thức để huy động nguồn vốn rất lớn này từ dân cư.

Mua vàng tích trữ là tập quán lâu đời của người dân

Thực tế mô hình về một đầu mối giao dịch vàng đã được chúng ta thực hiện từ những năm 90-91 với mô hình Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam. Đây là Tổng công ty được NHNN thành lập với mục tiêu là thực hiện giao dịch mua bán vàng với người dân khi người dân có nhu cầu mua vàng tích trữ. Dưới Tổng công ty là các công ty vàng bạc đá quý đặt tại các tỉnh.

Theo ông Trúc: “Cấm hoàn toàn thị trường vàng miếng là rất khó. Kinh nghiệm từ trước thì càng cấm giao dịch chui càng phát triển”. Thực tế là nhu cầu của dân mua vàng là rất lớn, đã thành tập quán từ rất lâu. Ở đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây khi đến vụ mùa thu hoạch xong, bà con nông dân lại tiết kiệm để mua vàng.

Hiểu cho đúng về vàng miếng

Cụm từ “vàng miếng” của chúng ta cũng cần hiểu cho đúng. Đó là vàng cao tuổi vật chất, có thể là 99,99 hay 99,9. Còn miếng chỉ là hình thức. Do đó cấm vàng miếng thì người dân thường tìm cách lách luật như đã từng làm trong quá khứ là vàng nhẫn, vàng khuyên.

Không cho giao dịch vàng miếng họ chuyển sang mua vàng nhẫn, vàng dây thậm chí cả vàng bột. Như thế càng rất khó quản lý, cũng như gây thiệt hại cho người dân vì chất lượng vàng không đảm bảo. Khi vàng được các công ty làm thành miếng, kiểm định phẩm chất tuổi vàng thì vàng được người dân tích trữ sẽ đảm bảo giá trị.

Không cấm giao dịch vàng miếng mà nên hạn chế giao dịch

“Nhiều người cho rằng nhiều quốc gia cấm giao dịch vàng miếng nhưng thực tế họ chỉ hạn chế giao dịch. Tôi cho rằng hạn chế là cần thiết”- Ông Trúc phát biểu. Khi sang các nước khác thì họ vẫn có chỗ để thực hiện giao dịch vàng miếng như cửa hàng hay ngân hàng nhưng số lượng rất hạn chế.

Ngay tại các quốc gia trong khu vực như Thailand, Singapore thì chỉ thấy bày bán vàng trang sức chứ không cho giao dịch vàng miếng phổ biến như ở Việt Nam.

Tại Việt Nam cũng có thể áp dụng biện pháp để hạn chế như 10 cửa hàng vàng chỉ cho phép 1 cửa hàng được giao dịch vàng miếng. Như thế vẫn đảm bảo cho người dân có thể thực hiện giao dịch cần thiết, bên cạnh đó cũng dễ dàng quản lý

Năm 2010 ở Trung Quốc, NHTW nước này cũng thực hiện việc bán vàng cho dân với khối lượng trung bình 7 tấn/tuần, và dịp gần tết nguyên đán tăng lên 15 tấn/tuần. Điều này cho thấy thực tế nhu cầu chính đáng của người dân trong giao dịch vàng. Thực hiện việc cấm đoán sẽ vô cùng khó khăn mà hiệu quả cũng không cao

Có nhiều cách để huy động nguồn vốn vàng trong dân

“Lượng vàng trong dân rất lớn”- đó là khẳng định của ông Trúc. Theo ước tính hội đồng vàng thế giới, con số này là 500 tấn tương đương khoảng 22 tỷ USD. Ước tính này được coi là có cơ sở vì số liệu lượng vàng xuất nhập khẩu của Việt Nam được theo dõi suốt mấy chục năm qua.

Ngay như nhiều người cho rằng đó là con số quá lớn thì giáo sư kinh tế Lương Trọng Yêm cũng có thống kê nhanh: tại Việt Nam có 15 triệu hộ gia đình, giả định trong đó chỉ có 8 triệu hộ có đủ khả năng tích trữ vàng. Mỗi hộ chỉ có 1,5 lượng vàng thì chúng ta đã có 12 triệu lượng, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Như vậy có thể thấy đó là nguồn vốn rất lớn cần được khơi thông.

Để có thể tận dụng nguồn vốn này, ông Trúc đưa ra cách làm mà ông cho rằng khả thi với điều kiện của Việt Nam. Đó là các ngân hàng thương mại huy động vàng từ người dân với mức lãi suất hợp lý, đem lượng vàng đó đến các ngân hàng nước ngoài như UBS, HSBC để gửi tiết kiệm. Khi đó lãi suất các NHTM nhận được thấp hơn mức huy động nhưng được đảm bảo.

Sau đó các NHTM này có thể sử dụng chính lượng vàng gửi tiết kiệm để quy đổi ra ngoại tệ với lãi suất vay cao nhất chỉ 4%. Như vậy với 100 tấn vàng huy động được từ người dân, có thể quy đổi được 4 tỷ USD để bình ổn thị trường.

Trước kia khi NHNN chưa có lệnh cấm các NHTM giao dịch vàng tài khoản tại quốc tế thì các NHTM có thể sử dụng biện pháp xuất khẩu vàng, đi kèm với lệnh mua đối ứng trên sàn giao dịch quốc tế để bảo hiểm rủi ro.

Khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới, NHTM có thể xuất khẩu vàng vật chất để thu ngoại tệ. Sau đó thực hiện đồng thời 1 lệnh mua trên sàn giao dịch với mức ký quỹ 7%.

Đến hạn phải thanh toán vàng với người dân, NHTM nộp nốt 93% giá trị hợp đồng kèm với khoản phí để chuyển vàng tài khoản thành vàng vật chất. Với cách làm này vàng đã thực hiện được nhiệm vụ là 1 loại tiền tệ, chuyển đổi dễ dàng sang USD đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các quốc gia như Mỹ, Nhật, EU liên tiếp in tiền đưa ra lưu thông thì việc nắm giữ vàng để bảo đảm giá trị tài sản là chính đáng. Điều quan trọng là cần tăng cường quản lý, để thị trường vàng hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Nhất là loại bỏ những hành vi đầu cơ giá, với những cơn sốt giá vàng gây hoang mang cho người dân.

Cao Sơn

tungdn2

Trở lên trên