MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh vàng miếng: Chỉ dẹp bỏ thị trường tự do

24-03-2011 - 09:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Những thông tin đa chiều trong những tuần gần đây đã làm thị trường vàng mất phương hướng. Đã có lúc tưởng như vàng sẽ không còn “quý như vàng”.

Dân, quan đều… lúng túng

Ngày 7/3/2011 giá vàng thế giới xác lập mức kỷ lục: 1.445,70 USD/ounce. Thế nhưng trong nước giá vàng liên tục giảm, dẫn đến nghịch lý: giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới. Điều này thật khó tin khi mà tháng 11/2010, lúc giá vàng thế giới chạm ngưỡng 1.400 USD/ounce, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng.

Cho đến tận ngày 17/3, giá vàng trong nước đã tuột khỏi mốc 37 triệu đồng/lượng và chỉ “leo dốc” trở lại vào phiên ngày Thứ Sáu vừa qua. Thế nhưng, thị trường vẫn vắng bóng cả người mua lẫn người bán.

Khởi nguồn của hiện tượng này là Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Nhưng “lỗi” không phải do Nghị quyết, mà do thị trường đã quá nhạy cảm với văn bản này.

Về vàng, Nghị quyết 11 nêu : “…trong Quý II/2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”.

Từ khóa quan trọng trong đoạn văn bản trên là “tiến tới” và “thị trường tự do”, nhưng vì quá “nhạy cảm” nên nhiều người đã bỏ qua. Phản ứng thái quá của người dân là ngừng giao dịch vàng và xếp hàng thuê thợ kim hoàn biến vàng miếng thành nhẫn, lắc, vòng vàng… Hành động này thực sự là tốn kém và vô nghĩa!

Bản thân NHNN - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý thị trường vàng cũng khá ngỡ ngàng trước phản ứng trên của thị trường. Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đã phải phát đi thông điệp “thanh minh” của NHNN vào chiều thứ Bảy 12/3 - một ngày nghỉ của cơ quan hành chính.

Tóm lại, xóa bỏ kinh doanh vàng miếng mới chỉ là dự định và chỉ áp dụng đối với thị trường tự do, chưa có văn bản pháp quy nào quy định chính thức về việc này. Hơn nữa, xét từ góc độ luật pháp, theo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng (năm 2010), thì vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước; và các TCTD được kinh doanh ngoại hối khi có sự cấp phép của NHNN.

Văn bản mới về quản lý thị trường vàng mà Nghị quyết 11 đề cập hiện vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Và trong dự thảo đó hiện cũng không có quy định cấm người dân sở hữu vàng miếng. “Ý muốn” của cơ quan quản lý chỉ là cố gắng quản lý thị trường vàng nhằm tránh tác động xấu đến thị trường ngoại hối.

Việc NHNN muốn xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do chỉ là để giảm vai trò thanh toán của vàng, khiến giới đầu cơ hết phương tiện để lũng loạn thị trường khi giá vàng thế giới có biến động. Vì, cũng như nhiều mặt hàng nhập khẩu khác, USD là đồng tiền dùng để thanh toán. Nhu cầu nhập khẩu vàng tăng sẽ đồng nghĩa cầu ngoại tệ tăng, dẫn đến tỷ giá tăng, thị trường sẽ lên cơn sốt với cả vàng và ngoại tệ.

Đã từ lâu ở nước ta, vàng ngoài việc được dùng dưới hình thức đầu tư (chủ yếu là đầu cơ), kinh doanh, còn là phương tiện thanh toán khá phổ biến trong những giao dịch có giá trị lớn như bất động sản. Và đặc biệt vàng đã đóng vai trò là tài sản tích trữ, phòng lúc bất trắc của người dân từ hàng trăm năm nay. Đa số người dân nắm giữ vàng không phải để kinh doanh mà là khoản “lương khô”, có thể truyền từ đời này sang đời khác.

Làm gì với vàng

Khi kinh tế thế giới bất ổn các nước trên thế giới đều tăng cường tích trữ vàng. Đến cuối năm 2010, Nga đang nắm giữ 784,1 tấn vàng; Mỹ giữ 8.134 tấn; Italia giữ 2.452 tấn. 58% dự trữ ngoại hối của các quốc gia thành viên EU dưới dạng vàng. Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng vàng trong 5 năm qua. Trung Quốc đang khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Hai tháng đầu năm 2011, họ đã nhập vào khoảng 400 tấn vàng, đưa dự trữ vàng của quốc gia này hơn 1.400 tấn.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, từ năm 1993 đến tháng 3/2010, tích trữ vàng của Việt Nam là 1.072,1 tấn. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan và NHNN, từ năm 1998 đến tháng 9/2010 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 339,86 tấn và xuất khẩu là 268,86 tấn vàng. Đáng chú ý, 90% vàng nhập vào Việt Nam hàng năm cho mục đích dự trữ tài sản của dân. Ước tính, lượng vàng trong dân hiện lên đến 300 - 400 tấn, thậm chí là 500 tấn. Không ai biết chính xác là bao nhiêu, vì thói quen tích trữ vàng đã có hàng trăm năm nay.

Để tận dụng được nguồn lực này, NHNN đã cho phép các NHTM huy động vốn bằng vàng, nhưng lợi dụng chính sách này, các NHTM lại làm cho thị trường thêm rối khi dùng chính nguồn huy động vàng đó để đầu cơ, lướt sóng vàng, ngoại tệ; và “quá tay” trong việc chuyển vàng thành VND để cho vay với lãi suất cao.

Theo yêu cầu của NHNN, 30/6/2011 là hạn cuối cùng để các ngân hàng tất toán các tài khoản tiết kiệm bằng vàng. Hiện vẫn có 22 tổ chức tín dụng đang thực hiện các hình thức huy động và cho vay bằng vàng. Mức lãi suất huy động vàng giữa các ngân hàng cũng có độ chênh lệch rất lớn: ABBank huy động các kỳ hạn ở mức 0,05%/năm, Habubank, Eximbank huy động ở mức cao nhất ở kỳ hạn 3 tháng là 1%/năm, các kỳ hạn khác thấp hơn; Southern Bank ở mức 1,5%/năm… Từ tháng 3/2011, nhiều ngân hàng không còn quy định người gửi tiết kiệm vàng phải đóng thuế thu nhập từ nguồn thu lãi tiền gửi vàng.

Thực tế, việc cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ không thể khiến người dân và doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nắm giữ VND. Căn nguyên cơ bản của những cơn sốt vàng là lạm phát. Do đó, chừng nào lạm phát vẫn cao thì chừng đó nhu cầu nắm giữ vàng vẫn còn. Vì thế đã có ý kiến đề xuất: thay vì trả lãi cho người gửi vàng, ngân hàng sẽ thu phí của người gửi. Như vậy sẽ hạn chế tích trữ vàng quá lớn trong dân.

Để giải quyết nhu cầu kinh doanh vàng, ngân hàng BIDV đã đề xuất thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Theo đó, NHNN sẽ nắm vai trò quản lý. Thành viên giao dịch trực tiếp tại sàn là các ngân hàng hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng có uy tín và danh tiếng tốt, minh bạch trong kinh doanh.

Các chuyên gia cũng đề xuất, mức ký quỹ trên sàn giao dịch phải là 100% để tránh hiện tượng kinh doanh vàng ảo trên tài khoản. Đề xuất này được đưa ra từ cuối năm 2010, nhưng hiện NHNN vẫn chưa chính thức có ý kiến gì. Song có lẽ, sau phản ứng vừa rồi của thị trường, NHNN sẽ phải quan tâm hơn đến đề xuất này.

Cấm kinh doanh vàng miếng trong bối cảnh lạm phát cao rõ ràng là không khả thi. Bằng chứng là với đồng USD, sau khi NHNN bắt một vụ mua bán lớn không qua ngân hàng để “làm gương”, hình ảnh “chợ đô la” chui của những năm 80 thế kỷ trước đã tái hiện trở lại. Vàng cũng sẽ như thế, nếu cơ quan nhà nước không cân nhắc đến nhu cầu chính đáng của người dân khi ban hành quy định, chính sách mới.

Chính vì vậy mà trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia hôm 17/3, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định người dân vẫn được quyền sở hữu, mua bán vàng miếng với một số đầu mối do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Theo Ngân Hà

DDDN

phuongmai

Trở lên trên