MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lách trần huy động: Tái hiện với ngoại tệ

20-07-2011 - 16:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù hầu hết các NH đều niêm yết LS huy động USD tối đa là 2%/năm theo quy định của NHNN, song đằng sau những biểu LS này còn nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Thời gian gần đây, thị trường ngoại tệ lại đang xuất hiện những cơn sóng ngầm. Mặc dù hầu hết các ngân hàng đều niêm yết lãi suất huy động ngoại tệ đối với USD tối đa là 2%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, song đằng sau những biểu lãi suất này còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Đường cong lãi suất bị nắn thẳng khi lãi suất huy động từ 1 tháng đến 24 tháng đều được đẩy kịch trần 2%/năm. Đồng thời, nhiều ngân hàng vẫn thực hiện khuyến mãi, tặng quà, thoả thuận ngầm lãi suất với khách hàng lên tới 3-4%/năm.

Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, tất cả đều xuất phát từ cung - cầu trên thị trường. Theo thống kê của NHNN, tính đến 20/6, tín dụng ngoại tệ tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010. Lý do khiến tín dụng ngoại tệ tăng mạng là do chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD là rất lớn.

Hiện lãi suất cho vay VND dù đã hạ nhiệt nhưng nói chung vẫn ở mức cao, vào khoảng 20-21%/năm. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp vay ngoại tệ, lãi suất chỉ cỡ 8%/năm, rõ ràng, khoảng cách chênh lệch hơn 10-12% là một sự hấp dẫn. Hơn thế, theo dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ ổn định. Điều này đã xua tan lo ngại rủi ro tỷ giá khiến các doanh nghiệp càng mạnh tay vay ngoại tệ.

Trong khi đó, tăng trưởng nguồn vốn ngoại tệ không theo kịp. Tính đến 20/6, huy động vốn ngoại tệ chỉ tăng 8,94% so với cuối năm 2010 và có xu hướng giảm (giảm 3,62% so với cuối tháng trước). Đặc biệt, theo Thông tư số 13/2011/TT-NHNN quy định về các nguồn ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% và không phải là tổ chức tín dụng) phải bán cho tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ từ ngày 1/7/2011, có nghĩa số tiền khoảng trên dưới 1 tỷ USD đang được các doanh nghiệp nhà nước này duy trì trên tài khoản sẽ phải bán lại cho các NHTM. Sau đó, các NHTM lại bán lại cho NHNN. Như vậy, vô hình trung, lượng tiền gửi ngoại tệ của các NHTM sẽ bị giảm mạnh. Lẽ dĩ nhiên các NHTM phải đẩy mạnh huy động USD để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Một nguyên nhân nữa là chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và tín dụng ngoại tệ. Thường, nguồn tiền gửi ngoại tệ chỉ có kỳ hạn khá ngắn, dưới 3 tháng; trong khi kỳ hạn cho vay lại tới 6-9 tháng. Điều này khiến các NHTM luôn phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và buộc các NHTM phải đẩy mạnh huy động USD bằng mọi giá.

Nhập siêu lớn cũng đang đe dọa đến cung - cầu ngoại tệ. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, nhập siêu khoảng 6,65 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn ngoại tệ để bù đắp như đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), kiều hối lại sụt giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI cả cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 5,66 tỷ USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ 2010; FII chỉ đạt gần 400 triệu USD, thấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lượng kiều hối ước tính chưa đến 2 tỷ USD trong quý II/2011 so với gần 2,5 tỷ USD trong quý I/2011. "Các ngân hàng đều nhìn thấy nguồn ngoại tệ cho 6 tháng cuối năm khó có thể dồi dào nên đang tìm mọi cách để thu hút", một chuyên gia ngân hàng nhận xét.

Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh gây nhiều áp lực lên tỷ giá khi các khoản vay đáo hạn. Bài học năm 2010 hẳn chưa cũ. Những tháng đầu năm 2010, tín dụng ngoại tệ cũng tăng rất mạnh. Và khi các khoản vay đáo hạn, nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến gây nhiều sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm. Hệ quả là NHNN đã phải điều chỉnh mạnh tỷ giá tới 9,3% hồi tháng 2/2011.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, NHNN nên có hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để hạn chế tín dụng ngoại tệ, đó là tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm tăng chi phí của ngân hàng, khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc. Lãi suất tăng cao sẽ hạn chế nhu cầu vay ngoại tệ. Quan trọng hơn cả, tăng dự trữ bắt buộc sẽ thu hẹp khả năng cấp tín dụng của các NHTM và về lâu dài cần tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động - cho vay ngoại tệ.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, mục tiêu NHNN chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán là một khuynh hướng tốt làm "sạch" thị trường, giảm đô la hóa, nhưng khuynh hướng này cần phải nhẫn nại. Ông Trung lý giải, dự trữ ngoại tệ sau 2 lần điều chỉnh tăng đến 7% đã hút về một lượng ngoại tệ rất lớn. Nếu tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ tiếp sẽ gây nên sự khủng hoảng về thanh khoản ngoại tệ của nhiều ngân hàng. "Dưới góc độ quản trị ngân hàng, tôi cho rằng, NHNN tăng dự trữ ngoại tệ tiếp thời điểm này là nóng quá, nhanh quá, không tốt cho hệ thống NHTM", ông Trung nói.

Theo Hồng Dung

ĐTCK


kyanh

Trở lên trên