MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi gần 6.500 tỷ đồng từ đấu thầu vàng, NHNN sẽ phải nộp ngân sách bao nhiêu?

06-09-2013 - 07:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Qua 5 tháng NHNN bán đấu thầu vàng, khoản chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thế giới ước tới gần 6.500 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản phải trích lập, số tiền sẽ được nộp vào ngân sách không nhỏ.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường cho tới nay đã qua 5 tháng. Trong 57 phiên đấu thầu, với 1.622.000 lượng vàng chào bán, NHHN đã bán được 1.517.200 lượng, tương đương khoảng 58,3 tấn, và hút khoản tiền từ lưu thông về khoảng 57.000 tỷ đồng.

Ước tính NHNN lãi gần 6.500 tỷ qua 5 tháng bán vàng

Đáng lưu ý, trong các phiên đấu thầu, giá trúng thầu thường cao hơn so với giá vàng thế giới từ 4 – 5 triệu đồng/lượng, cá biệt có những phiên khoảng cách chênh lệch lên gần 7 triệu đồng/lượng dù rằng cũng có những phiên đấu thầu giá chỉ cao hơn thế giới chưa đầy 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bán đấu thầu thường cao hơn vàng thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng

Theo tính toán của chúng tôi, phần chênh lệch giữa giá vàng đấu thầu và thế giới qua 57 phiên nói trên đạt gần 6.500 tỷ đồng – một khoản tiền không hề nhỏ và bằng gần 30% so với tổng lợi nhuận của hệ thống các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm nay!

NHNN sẽ phải nộp bao nhiêu vào ngân sách từ đấu thầu?

Còn nhớ hồi cuối tháng 5, trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về thị trường vàng cũng như việc NHNN tiến hành bán đấu thầu nhưng khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN chỉ tham gia bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá. Cũng theo thống đốc, việc can thiệp thị trường vàng của NHNN là không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Thống đốc: Tiền lãi từ chênh lệch giá vàng sẽ đổ vào ngân sách

Về khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, theo Thống đốc, trước đây là thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng nhưng nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh.

Phát biểu với báo giới, nhiều vị đại diện của NHNN cũng khẳng định vẫn lãi từ đấu thầu vàng sẽ nộp ngân sách.

Trên thực tế, theo quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tài chính của NHNN, toàn bộ số tiền chênh lệch giá vàng đấu thầu với giá vàng thế giới sẽ được hạch toán vào thu nhập của NHNN (khoản 3 Điều 12 Chế độ tài chính của NHNN ban hành kèm theo quyết định số 07 nêu trên). Toàn bộ chi phí liên quan đến đấu thầu vàng sẽ được hạch toán vào chi phí của NHNN (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 quyết định 07).

Vậy, chiếu theo các quy định này thì con số chính xác mà NHNN sẽ phải đổ vào ngân sách là bao nhiêu?

Diễn biến đấu thầu vàng của NHNN từ 28/3 đến nay 

Theo tính toán, toàn bộ số tiền lãi từ đấu thầu vàng (chênh lệch thu chi từ hoạt động mua bán vàng) sẽ được phân bổ bằng cách trích ra lượng phần trăm nhất định cho các Quỹ và phần còn lại là nộp ngân sách.

Cụ thể, NHNN sẽ được trích ra 10% trong số lãi đó cho Quỹ dự phòng rủi ro của NHNN theo quy định tại Điều 9 quyết định số 07). NHNN cũng được trích 20% cho Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 16 quyết định  số 07). Còn 10% nữa được trích lập cho Quỹ dự phòng tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 16 quyết định số 07. Số còn lại mới nộp ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 16 quyết định số 07.

Với con số gần 6.500 tỷ đồng ước tính từ chênh lệch giữa vàng đấu thầu và thế giới (chưa tính đến chi phí vận chuyển, gia công vàng miếng), sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro, quỹ chính sách tiền tệ và quỹ dự phòng tài chính nêu trên, số phải nộp vào ngân sách từ đấu thầu trong 5 tháng qua là khoảng 4.100 tỷ đồng.

Trừ đi 40% trích lập các Quỹ, số tiền lãi từ 57 phiên đấu thầu vàng phải nộp vào ngân sách khoảng 4.100 tỷ, trong đó khoản tạm nộp hơn 2.400 tỷ.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 16 QĐ số 07, NHNN chỉ phải thực hiện tạm nộp 60% số tiền lãi từ chênh lệch giá vàng vào NSNN trong năm, vì vậy, ước tính số tiền tạm nộp NSNN từ khoản lãi đấu thầu vàng trong 57 phiên vừa qua là hơn 2.400 tỷ đồng.

NHNN sẽ đấu thầu bao nhiêu tấn vàng nữa?

Các chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ chưa dừng việc bán đấu thầu vàng trong thời gian tới. Theo ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch Tập đoàn VBĐQ DOJI, trong số hơn 58 tấn vàng đã bán qua đấu thầu thời gian qua thì chỉ khoảng 25 tấn là ra thị trường, phần còn lại phục vụ cho hoạt động tất toán của các ngân hàng thương mại. Từ nay đến cuối năm NHNN có thể đưa ra khoảng 30 tấn vàng nữa, nâng tổng số vàng thực sự ra thị trường là 60 tấn, phù hợp với dự báo nhu cầu ở xu hướng giảm so với năm 2012.

Với tiến độ hiện nay, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ chào thầu tối đa 640.000 lượng. Số tiền lãi từ đấu thầu nộp thêm vào ngân sách có thể lên tới trên dưới 1.000 tỷ.

Còn giả định mà chúng tôi đưa ra, NHNN sẽ giữ tiến độ bán đấu thầu như hiện nay, tức là 2 phiên mỗi tuần và mỗi phiên 20.000 lượng, thì trong 4 tháng cuối năm, NHNN sẽ chào thầu khoảng 640.000 lượng vàng nữa, tương đương 24,6 tấn.

Giả sử, tỷ lệ trúng thầu cũng tương đương mức như thời gian gần đây, thì sẽ có khoảng 600.000 - 620.000 lượng vàng nữa trúng thầu. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tính toán ở mức 2 triệu đồng/lượng thì tiền lãi từ đấu thầu vàng cũng trên 1.200 tỷ. Còn nếu mức chênh lệch là 3 - 4 triệu đồng như trước kia thì tiền lãi lên tới trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Với các mức trích lập theo Quyết định số 07, số tiền sẽ bổ sung thêm vào ngân sách sẽ khoảng 750 tỷ (chênh lệch giá là 2 triệu đồng) cho đến trên 1.000 tỷ đồng (chênh lệch 3 triệu đồng). Và nếu kịch bản này đúng thì trong cả năm nay, riêng mảng bán đấu thầu vàng, NHNN sẽ bổ sung thêm vào ngân sách nhà nước trên dưới 5.000 tỷ đồng.


Nguyễn Hằng -  Lê Nguyễn

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên