Lãi suất USD giảm không ảnh hưởng tiết kiệm kiều hối
Trước động thái giảm sâu lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, không ít ý kiến cho rằng sẽ ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng USD. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN điều đó sẽ khó tác động đến nguồn kiều hối, do lượng kiều hối chuyển về gửi tiết kiệm chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ
- 05-10-2015Nút thắt lãi suất và rủi ro "chảy máu ngoại tệ"
- 01-10-2015Lãi suất vẫn ổn định dù tăng tỷ giá
- 01-10-2015Hạ lãi suất USD - bước đầu giải quyết tình trạng găm giữ ngoại tệ
- 30-09-2015Giảm lãi suất USD không tác động nhiều đến thị trường
- 30-09-2015Thị trường bất động sản được gì khi lãi suất USD về 0%?
- 30-09-2015USD tăng giá toàn cầu: Cất két sắt không cần lãi suất?
Ít gửi tiết kiệm
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tính đến cuối tháng 9-2015, lượng kiều hối về khu vực TPHCM ước đạt 3,25 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Lượng kiều hối về TPHCM chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước, bình quân chiếm tới 40-45% và năm 2015 có thể chiếm tới 50%.
Kiều hối chuyển về TP chủ yếu từ Hoa Kỳ, châu Âu và các nước có số lượng xuất khẩu lao động nhiều. Đây là những thị trường có nền kinh tế đang hồi phục, kiều bào cũng có điều kiện tốt hơn trong việc chuyển kiều hối về cho người thân hoặc đầu tư, kinh doanh.
Với cơ chế về kiều hối hiện nay khá thông thoáng khi người nhận có thể nhận bằng tiền mặt, chuyển khoản mà không phải chịu thuế, phí cũng rất thấp từ 0,2-0,5%. Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ vừa qua đảm bảo sự hấp dẫn lượng kiều hối gửi về Việt Nam so với trước.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm trên 70,6% trong tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản (BĐS) chiếm khoảng 20,7%. Phần còn lại hỗ trợ cho người thân trong việc chữa bệnh, du lịch… chiếm khoảng 6-7% trong tổng kiều hối chuyển về. Do đó, việc giảm lãi suất USD xuống mức thấp cũng không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối từ các nước trên thế giới chuyển về Việt Nam.
Một điểm cũng khá quan trọng trong việc thu hút lượng kiều hối thời gian gần đây cũng như sắp tới, đó là sự hồi phục của thị trường BĐS. Động thái giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của NHNN nhìn chung sẽ tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VNĐ và USD.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn trong việc tối ưu hóa trong sử dụng vốn cũng như việc có nên duy trì tiền gửi bằng ngoại tệ. Chính việc giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ sẽ nâng cao vị thế tiền đồng và không loại trừ người có ngoại tệ có thể mạnh dạn chuyển đổi sang tiền đồng để gửi NH hoặc đầu tư BĐS.
Trường hợp những người có ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới và giữ ngoại tệ để hưởng chênh lệch giá, việc mất đi nguồn tiền lãi không gây thiệt hại gì đối với tài sản của họ. Nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định từ nay đến hết năm 2015 không điều chỉnh thêm tỷ giá. Đồng thời, với biểu lãi suất ngoại tệ mới, chênh lệch giữa lãi suất huy động VNĐ và USD càng lớn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài.
Như vậy, sau khi so sánh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ, USD, người dân có thể tính toán được lợi ích của từng kênh gửi tiền để lựa chọn. Ngay trong ngày đầu áp dụng chính sách (28-9) đã có sự chuyển dịch rất lớn về hành vi người gửi tiền. Theo báo cáo nhanh của các NHTM, hiện đã giải quyết được tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn.
Cụ thể, lượng ngoại tệ doanh nghiệp bán cho NH cao gấp 3 lần so với bình quân những ngày trước đó. Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán để chuyển qua gửi tiết kiệm VNĐ và có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Nhắm vào bất động sản
Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam trong năm qua với 11 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay. Đáng chú ý, nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường BĐS đang ấm lên. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết doanh số chi trả kiều hối của công ty trong năm qua đạt 1,6 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước. Nguồn kiều hối chủ yếu đến từ thị trường tuyền thống là Hoa Kỳ, Australia và Canada. Tuy nhiên, trong năm qua nguồn kiều hối có sự đổi mới ở một số thị trường có số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu lớn.
Trong đó, đáng chú ý là thị trường Nhật Bản và Malaysia. Theo ông Trung, ngoài việc nguồn tiền từ kiều bào, lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng gia tăng nên nguồn kiều hối cũng sẽ tăng. Đặc biệt khi thị trường BĐS được dự báo sẽ ấm dần lên trong thời gian tới khi Luật BĐS cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.
Như đã biết, nguồn kiều hối về Việt Nam có tỷ trọng lớn chuyển vào các kênh đầu tư và cả sản xuất, kinh doanh, trong đó có BĐS, chứng khoán.
Thực tế cho thấy nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư trong năm qua và 9 tháng năm nay có dấu hiệu khởi sắc và tăng, vì chứng khoán, đặc biệt BĐS đã có những chuyển biến ấm dần lên vào cuối năm 2014 đến nay. Do đó, theo nhận định của các chuyên gia tài chính tiền tệ, một khi thị trường BĐS ấm lên, kỳ vọng kiều hối về Việt Nam vào lĩnh vực này cũng sẽ khởi sắc.
Kế hoạch trong năm 2015, Kiều hối Đông Á tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng như năm 2014, với mức tăng trưởng khoảng 15-20% và tập trung vào các thị trường có số lượng xuất khẩu lao động lớn. Trong khi đó, kế hoạch Công ty Kiều hối Sacombank đưa ra kế hoạch năm nay ước đạt doanh số chi trả kiều hối ở mức 1,9 tỷ USD, ngang bằng so với năm trước.
Trong giai đoạn 1991-2013, Việt Nam đã thu hút được gần 80,4 tỷ USD kiều hối, bình quân tăng khoảng 39% mỗi năm. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Đây là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam, hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân trong giai đoạn 2007-2013. Doanh số kiều hối tăng mạnh từ tháng 12 đến hết Tết Nguyên đán, thường tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm.
Sài Gòn đầu tư