MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ trình 2 năm chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng

24-04-2011 - 10:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Tháng 5-2013 các ngân hàng sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động, cho vay bằng vàng và các ngân hàng thương mại sẽ có 2 năm kể từ tháng 5-2011 để cơ cấu lại các nguồn vốn.

Đây là lộ trình 2 năm Ngân hàng Nhà nước dự định đưa ra để thực hiện quản lý thị trường vàng theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước vừa có cuộc họp với đại diện một số ngân hàng thương mại để trao đổi những nội dung liên quan .

Một nội dung quan trọng được đưa ra trong cuộc họp trên là việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản quy định các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ngừng hẳn việc huy động và cho vay bằng vàng. 

Định hướng chính sách này đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại văn bản mới được Văn phòng Chính phủ công bố ngày 13-4 vừa qua. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có quy định và thực hiện việc dừng hoạt động huy động và cho vay vàng; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp đăng ký kinh doanh vàng; đồng thời xử lý nghiêm, kể cả việc thu hồi giấy phép đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý ngoại tệ và vàng.

Tại cuộc họp Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự định sẽ có lộ trình 2 năm để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các nguồn vốn, trước khi dừng huy động và cho vay bằng vàng. Cụ thể, quy định trên dự kiến có hiệu lực từ tháng 5-2011 và đến tháng 5-2013 các ngân hàng sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động và cho vay bằng vàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết vấn đề này sẽ còn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình lên Chính phủ.

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong quý 2/2011 trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã gấp rút xây dựng dự thảo nghị định trên và sẽ gửi tới các ngân hàng thương mại, các thành viên thị trường để lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành. 

Như vậy, các bước triển khai định hướng siết chặt hoạt động kinh doanh vàng, tăng cường quản lý thị trường vàng đang ngày một rõ nét và cụ thể hóa những thông điệp đưa ra trước đó.

Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lần lượt đóng cửa các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài; ban hành thông tư thu hẹp hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 10/2010 đến nay, các ngân hàng thương mại đã từng bước giảm lãi suất huy động vàng, cũng như cơ cấu theo hướng rút dần các kỳ hạn huy động. Hiện lãi suất huy động vàng tại các ngân hàng đều ở mức rất thấp, phổ biến dưới 0,3%/năm; cá biệt trên 0,5%/năm ở một số kỳ hạn.

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, người dân có thói quen mua vàng để cất trữ, định giá và thanh toán. Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng. Việc lưu thông, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng, do đó, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng cũng làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường “ngầm” về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Thực tế thời gian qua, việc cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản xuất, là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích.

Một số doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, việc cấm các hoạt động trên sẽ đóng băng một lượng tài sản trong dân. Người dân Việt Nam từ xưa đến nay có thói quen cất giữ tài sản bằng vàng và một bộ phận vẫn còn thói quen thanh toán bằng vàng. Con số vàng trong dân là không nhỏ và nếu để nó nằm ngoài hệ thống ngân hàng sẽ là một lãng phí lớn. Trường hợp ngân hàng không huy động, số lượng vàng mà người dân đang gửi tại ngân hàng hiện nay sẽ đi đâu.

Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cho rằng, để thị trường hoạt động một cách có tổ chức là rất nên, nhưng quản lý thế nào, tổ chức thế nào thì cần cân nhắc vì còn ảnh hưởng nhiều tới thói quen tiêu dùng, đầu tư. Lộ trình dừng huy động và cho vay vàng sắp tới phải đảm bảo làm sao để thị trường vàng vận hành đúng theo cơ chế thị trường, thu hút được lượng vàng lớn đang tồn tại trong dân.

Ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300-400 tấn, tương đương 16-20 tỷ USD.

Theo một chuyên gia tài chính, nếu đã cấm huy động, cho vay thì cần phải mở ra sàn vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sàn vàng là sàn vàng vật chất, mua thật - bán thật chứ không phải vàng ảo. Nhà đầu tư nào có vàng thì mở tài khoản vàng tại ngân hàng. Sàn đứng ra chỉ định một số ngân hàng thương mại lớn, thanh khoản tốt làm trung gian thanh toán. Bước đầu chưa cho tư nhân tham gia, sau khi đã phát triển thì dần mở rộng quy mô.

Một số chuyên công ty kinh doanh vàng bạc lại kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước có thể tính tới giải pháp phát hành tín phiếu huy động bằng vàng. Nhà nước lúc cần thì mượn của dân, khi nào người dân có nhu cầu thì bán lại. Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra mua lại vàng miếng và coi đó là nguồn dự trữ ngoại hối nhưng cần kèm theo biện pháp phòng chống rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
 
Theo Đức Trung
Tầm nhìn

duchai

Trở lên trên