MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư chỉ ra mâu thuẫn của VKS trong việc quy kết toàn bộ trách nhiệm cho Huyền Như

15-01-2014 - 15:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo luật sư, trong phần luận tội đại diện VKS cũng thừa nhận Huyền Như đã lừa dối cả lãnh đạo Vietinbank rằng Vietinbank đã có những sơ hở trong quản lý nghiệp vụ để Huyền Như qua mặt, làm giả các lệnh chuyển tiền.

Sáng nay 15/1 trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa quyền lợi của CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya – SBBS đã đưa ra luận cứ cho rằng: đại diện Viện kiểm soát – VKS đã có những mâu thuẫn cơ bản nhất trong khi thực hiện quyền công tố trước tòa.

Theo bản cáo trạng ngày 16/10/2013 của Viện Kiểm soát tối cao đã xác định Huyền Như làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank – CN Nhà Bè và SBBS, ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh – Giám đốc và Võ Anh Tuấn – Phó giám đốc Vietinbank – CN Nhà Bè và đóng dấu giả của Vietinbank – CN Nhà Bè để huy động số tiền 245 tỷ đồng của SBBS.

Nhưng thực tế SBBS chỉ chuyển 225 tỷ đồng. Để chiếm đoạt được số tiền 225 tỷ đồng của SBBS, Như đã yêu cầu SBBS mở tài khoản tại Vietinbank – CN Tp. Hồ CHí Minh. Khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản tại Vietinbank- CN Hồ CHí Minh, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như đã vay trước đó. Đến nay, Như còn chiếm đoạt của SBBS số tiền 210 tỷ đồng.

Như vậy, lập luận của cáo trạng cho rằng SBBS đã bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối ký 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giả, hướng dẫn công ty SBBS mở tài khoản tại Vietinbank HCM và dùng các thủ đoạn gian dối khác để chiếm đoạt số tiền 210 tỷ đồng của SBBS.

Luật sư cho rằng: Cáo trạng đã biến SBBS thành nạn nhân trực tiếp của Huỳnh Thị Huyền Như, và trở thành pháp nhân bị hại do chính hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như. Theo logic lập luận của cáo trạng Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho SBBS chứ không phải là Vietinbank – Hồ Chí Minh.

Trong thời gian thực hiện xét xử vụ án Huyền Như, đại diện Viện kiểm soát đã giải thích rõ tại tòa hành vi phạm tội của Huyền Như đã hoàn thành từ thời điểm các pháp nhân gồm các ngân hàng, các công ty, các cá nhân gửi tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank – CN Hồ Chí Minh, chứ không phải được hoàn thành từ thời điểm Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối để rút tiền ra.

Theo luật sư của SBBS: “Quả thật chúng tôi không thể hiểu được kết luận của Viện kiểm soát về thời điểm hoàn thành tội phạm của Huyền Như dựa trên căn cứ pháp lý nào trong lý luận về tội phạm hoàn thành như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Trong phần luận tội VKS cũng thừa nhận rằng, Huyền Như đã lừa dối cả lãnh đạo Vietinbank rằng Vietinbank đã có những sơ hở trong quản lý nghiệp vụ để Huyền Như qua mặt, làm giả các lệnh chuyển tiền để rút tiền từ tài khoản của khách hàng.”

Luật sư cho rằng, VKS đã không phân tích sâu mối quan hệ nhân quả giữa các thủ đoạn gian dối đó của Huyền Như với hậu quả của việc chiếm đoạt tiền qua các sơ hở của Vietinbank – CN Hồ Chí Minh để xác định dân sự trong vụ án này lại quy kết hết trách nhiệm cho Huyền Như phải chịu trách nhiệm để giải thoát cho Vietinbank. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất trong quý vị đại diện VKS thực hiện quyền công tố trước tòa.

“Hy vọng luận cứ này của chúng tôi có thể góp phần làm sáng tỏ mâu thuẫn nội tại trong quan điểm của đại diện VKS để tìm ra sự thật khách quan, công bằng của việc xác định chủ thể trách nhiệm dân sự là ai – Vietinbank Tp. Hồ Chí Minh hay Huyền Như mới đảm bảo tính có căn cứ, tính hợp pháp của vấn đề trách nhiệm dân sự với số tiền gần 4.000 tỷ đồng trong vụ đại án này” – luật sư trình bày tại tòa.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên