MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn vay vốn, ngân hàng doanh nghiệp phải hiểu nhau

28-03-2015 - 11:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Neil Philip Ramsden, chuyên gia của IFC cho rằng, để có thể cho vay được doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ngân hàng và khách hàng phải có sự hiểu biết nhau.

Ngân hàng bày cách để doanh nghiệp vay được vốn

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó tổng giám đốc ABBank, gợi ý để vay được vốn trước hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần phải để ngân hàng xác định được nhu cầu cần vốn thực sự của mình.

Tiếp đó, một phương án sử dụng vốn hiệu quả và đồng vốn vay ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho khách hàng cũng như nền kinh tế cũng sẽ thuyết phục được ngân hàng.

Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IFC), Việt Nam có khoảng 700.000 DNNVV đăng ký chính thức. Đó là chưa tính đến các doanh nghiệp không đăng ký chính thức như các doanh nghiệp quy mô nhỏ như gia đình, hộ gia đình.

“Đây là con số lớn và là phân khúc có quy mô lớn. Chúng tôi cũng nhìn thấy đây là phân khúc sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng. Và cũng rất dễ hiểu vì sao các ngân hàng đưa ra rất nhiều chiến lược để hướng tới phân khúc này”, ông Neil Philip Ramsden, chuyên gia tư vấn cao cấp về Dịch vụ Ngân hàng dành cho DNNVV, IFC nhận định.

Ồ ạt đổ vốn cho DNNVV

Từ năm 2014 đến nay, đã có hàng chục NHTM xem khối DNNVV là phân khúc tiềm năng. Các gói tín dụng từ các ngân hàng như ACB, Eximbank, DongABank, Sacombank, VIB, MHB, Techcombank, VPBank, MB, ABBank, SeABank, LienVietPostBank… liên tiếp được tung vào thị trường với những ưu đãi về lãi suất cũng như các điều kiện vay vốn.

Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều ngân hàng tung ra gói lãi suất ưu đãi cho vay DNNVV như MB với gói 20.000 tỷ đồng, lãi suất trên 12 - 60 tháng là chỉ từ 8,5 – 9,5%/năm.

VPBank cũng vừa đưa ra chương trình cho vay DNVVV vừa với lãi suất thấp và hạn mức cho mỗi doanh nghiệp có thể lên đến 10 – 20 tỷ đồng trong vòng 10 năm.

Tham vọng hơn, ABBank đặt mục tiêu dư nợ với DNNVV chiếm 60% tổng dư nợ khách hàng DN. Để có được mức dư nợ 60%, ABBank đã hợp tác với IMF trong “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc DNNVV”. Với sự hỗ trợ của IMF, ABBank đã phân nhu cầu vốn của DNNVV ra những tiểu dự án rất căn bản. Tiểu dự án này sẽ được IMF trực tiếp hỗ trợ và giúp việc thẩm định cũng như giải ngân diễn ra nhanh nhất.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát triển lên từ quy mô hộ gia đình.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát triển lên từ quy mô hộ gia đình.

Thiếu chiến lược cho vay DNNVV

Mặc dù các ngân hàng vẫn tuyên bố lấy DNNVV làm khách hàng trọng tâm, tuy nhiên, phân khúc doanh nghiệp này vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như tài sản đảm bảo, dòng vốn, quản lý dòng tiền, lãi suất, minh bạch thông tin…

Về tài sản đảm bảo, theo bà Mai, việc gỡ nút thắt về vấn đề tài sản đảm bảo khi các DNNVV tiến hành vay vốn đối với ngân hàng khá là khó khăn. Vì tài sản đảm bảo này thường đã được sử dụng rất nhiều và đôi khi cũng đã hết tài sản để đem đi đảm bảo với các khoản vay.

“Tuy vậy, ngân hàng vẫn có cách để giải quyết vấn đề này, bởi cái nhắm đến đầu tiên không phải là tài sản đảm bảo mà là việc xác định khách hàng thực sự có nhu cầu vay vốn hay không? Nhu cầu có thực sự phù hợp và đồng vốn có được sử dụng hiệu quả hay không và có đem lại lợi ích cho bản thân khách hàng hay nền kinh tế hay không? Đó là vấn đề đầu tiên mà các ngân hàng đặt ra khi thẩm định các khoản vay”, bà Mai bình luận.

Theo bà Mai, đối với các khách hàng DNNVV, khó khăn đầu tiên của ngân hàng chính là việc quản lý các thông số tài chính, đôi khi chưa thực sự được xem xét minh bạch và có rất nhiều khó khăn vì có 1 phần các doanh nghiệp này được phát triển lên từ quy mô hộ gia đình.

“Vậy trong 1 số giai đoạn, việc quản lý và theo  dõi thông số này chưa thực sự đầy đủ. Đây mới chính là nút thắt của các DNNVV khi tham gia thị trường vay vốn tại các ngân hàng”, bà Mai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn tiếp cận vốn vay của DNNVV cũng có nguyên nhân đến từ ngân hàng. Bà Mai thừa nhận, tại thị trường Việt Nam phân khúc khách hàng DNNVV vẫn chưa được khai thác một cách đầy đủ.

“Lý do thực sự là vì chúng ta nói khá nhiều, đưa ra chiến lược khá nhiều và không phải chỉ có ABBank mà rất nhiều ngân hàng đều đưa ra chiến lược này. Nhưng nếu nói rằng chúng ta đã thực sự dành những ưu tiên, những nguồn lực đầy đủ để thực hiện chiến lược này hay chưa? Thì có lẽ việc thực hiện này chưa thực sự đầy đủ”, bà Mai thừa nhận.

Về vấn đề này, ông Neil Philip, cũng cho rằng, để có thể cho vay được DNNVV, ngân hàng và khách hàng phải có sự hiểu biết nhau.

“Không phải chỉ ở góc độ tiếp cận về vốn, về tài chính mà có rất nhiều DNNVV quan tâm đến sự tư vấn, hướng dẫn để giúp họ phát triển doanh nghiệp của họ. Có thể nói là tăng cường sự hiểu biết của ngân hàng về thị trường và phân khúc DNNVV, tăng cường cả chất lượng dịch vụ của ngân hàng đối với các DN này để họ cảm thấy giá trị tăng thêm và những sự thay đổi đến với họ từ dịch vụ trong tương lai của ABBank”, ông Neil Philip bình luận.

Theo TRẦN GIANG

PV

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên