MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra hoạt động cấp tín dụng và sử dụng dự phòng rủi ro

22-01-2015 - 18:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2015, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác thanh tra các lĩnh vực đang được dư luận quan tâm như: Việc chấp hành các quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm; chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách; tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ....

Sáng nay (ngày 22/1/2015) Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của ngành Thanh tra.

Nói về kế hoạch nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác thanh tra các lĩnh vực đang được dư luận quan tâm như: Việc chấp hành các quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm;  chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách; tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ; việc quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu; việc thu, chi kinh phí đào tạo dạy nghề;  chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá đối với các mặt hành thiết yếu và bình ổn giá.

Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra; trách nhiệm thực thi công vụ.

Cũng trong năm 2015 một số lĩnh vực Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tiến hành thanh tra đã được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt Các bộ, ngành, địa phương như: Thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, dự án BOT, BT;

Đối với thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực do bộ, ngành, trong đó tập trung vào những vấn đề mà dư luận quan tâm cụ thể như:

Thứ nhất, khám chữa bệnh, sử dụng vắc xin, quản lý chất thải y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược;

Thứ hai, bảo vệ thực vật, quản lý, sử dụng vật tư nông nhiệp, nhãn hiệu hàng hoá;

Thứ ba, an toàn giao thông, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quản lý, sử dụng vốn bảo trì đường bộ, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt, an toàn toàn hàng không;

Thứ tư, chính sách ưu đãi người có công, hoạt động dạy nghề, chính sách lao động, các chính sách xóa đối giảm nghèo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Thứ năm việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức;

Thứ sáu việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, hoạt động mỹ thuật, quản lý và tổ chức lễ hội, quản lý di tích; sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường, an toàn bức xạ;

Thứ bảy, việc quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, bảo vệ môi trường, khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước;

Thứ tám, hoạt động thương mại, điện tử, viễn thông, internet, cung cấp dịch vụ mạng xã hội;

Thứ chín, quản lý vật liệu nổ, phòng cháy, chữa cháy, việc chấp hành pháp luật về phòng chống ma túy;

Thứ mười, hoạt động cấp tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, hoạt động đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần, kinh doanh chứng khoán; chống gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế, hoàn thuế; chống buôn lậu, chống chuyển giá …

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên