Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ...
Những gì xảy ra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có chấm dứt động thái phá giá đồng Nhân dân tệ hay không.
- 12-08-2015TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: NHNN thiếu quyết đoán khi nới biên độ tỷ giá
- 12-08-2015Phá giá nhân dân tệ: Xuất khẩu bớt lo, nội địa khóc ròng?!
- 12-08-2015Trung Quốc và Việt Nam cùng "phá giá" tiền: Ngành nào sẽ bị “chịu” trận?
- 12-08-2015NHNN đã chọn đúng lý do, thời điểm
- 12-08-2015Phá giá Nhân dân tệ tác động thế nào đến hàng nông thủy sản Việt Nam?
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa công bố báo cáo nhận định ngày trong đó có đề cập về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng biên độ tỷ giá lên 2% sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.
Theo báo cáo, HSC cho rằng đây là động thái trực tiếp trước việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc với mức độ điều chỉnh tổng cộng là 3,54% trong hai ngày liên tiếp.
“NHNN đã nhanh chóng có động thái ứng phó trước việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc với việc tăng biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%”, HSC bình luận.
Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữ nguyên ở mức 21.673 VND/USD nhưng tỷ giá trần được nâng lên 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn giảm xuống 21.240 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá không thay đổi nhiều.
Báo cáo phân tích đây là động thái nới lỏng một cơ chế tỷ giá cố định và thay đổi trọng tâm hướng tới hỗ trợ xuất khẩu. IMF phản ứng tích cực trước động thái của Trung Quốc vì tỷ giá sẽ được quyết định nhiều hơn theo cơ chế thị trường. Do thay đổi trong chính sách tỷ giá hàng ngày.
“Từ giờ, tỷ giá hàng ngày sẽ được dựa trên tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước; cung & cầu… Và về cơ bản điều này cho phép cơ chế thị trường quyết định nhiều hơn đến tỷ giá”, HSC nhận định.
Trước đây Trung Quốc được coi là đã hỗ trợ nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá. Hiện xuất khẩu kém đi cộng với nguy cơ giảm phát trong nước thì ưu tiên chính sách đã thay đổi. Và câu hỏi đặt ra vẫn là Trung Quốc sẽ để cơ chế thị trường quyết định tỷ giá ở mức độ nào?
Trước mắt có lẽ nước này sẽ tiến hành các bước đi một cách thận trọng sau khi đã phá giá khá mạnh đồng Nhân dân tệ trong 2 ngày vừa qua. Tuy nhiên sau khi quyết định để cho cơ chế thị trường quyết định nhiều hơn đến tỷ giá; thì khó có khả năng Trung Quốc sẽ làm điều ngược lại.
Dự báo tỷ giá sẽ điều chỉnh 3-4% trong năm nay
Sau 2 ngày liên tiếp, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ 3,54% khiến một loạt các đồng tiền khác trong khu vực giảm giá theo nhằm duy trì sự cạnh tranh.
HSC ước tính nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể tăng thêm 0,6-0,8% nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá 1% so với đồng VND. Như vậy với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá 2,5% so với đồng VND (vì đồng VND cũng phá giá 1%) thì sức cạnh tranh của Việt Nam (so với Trung Quốc) bị giảm khá nhiều.
Lần phá giá thứ hai đối với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã gây áp lực cho NHNN. Đối với NHNN thì ổn định tỷ giá là một nhiệm vụ quan trọng và cơ quan này không muốn phải liên tục điều chỉnh tỷ giá. Đồng thời triển vọng xấu đi của cán cân thương mại với việc thâm hụt sẽ cao hơn dự kiến vào cuối năm.
HSC cho biết: “Khi mà thâm hụt với Trung Quốc bằng 537% tổng thâm hụt 6 tháng đầu năm (thâm hụt 6 tháng đầu năm với Trung Quốc là 16,5 tỷ USD trong khi tổng thâm hụt là 3,07 tỷ USD) thì rõ ràng đây là một vấn đề không nhỏ”.
Từ đầu năm, tỷ giá đã dược điều chỉnh 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2%. Và biên độ tỷ giá cũng được điều chỉnh thêm 1%. HSC đã dự báo tỷ giá sẽ điều chỉnh 3-4% trong năm nay và hiện vẫn giữ nguyên dự báo này.
Tuy nhiên nếu tình hình có diễn biến mới theo chiều hướng kém khả quan hơn, nói cách khác là nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ thì có khả năng Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.
HSC đã đề cập đến việc chiến tranh tiền tệ là rủi ro bên ngoài lớn nhất của thị trường chứng khoán và tình hình vĩ mô trong năm 2015. Và mặc dù chưa coi động thái vừa qua có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ, thì hoàn toàn có thể cho rằng có khả năng nhiều NHTW trong khu vực sẽ có những động thái đáp trả (trước động thái phá giá của Trung Quốc) hiện đã tăng lên đáng kể.
Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá...
Nếu Trung Quốc không có thêm động thái phá giá đồng Nhân dân tệ thì có khả năng NHNN sẽ không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá; nhiều khả năng một số NHTW khác trong khu vực sẽ tiếp tục có những động thái đáp trả, đặc biệt là ở các quốc gia có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Tuy nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá trong ngắn và trung hạn, thì phản ứng của NHNN và cả các NHTW khác trong khu vực sẽ là không tránh khỏi.
HSC kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong vài tháng tới (có vẻ nhiều khả năng sẽ là tháng 9), thì bất ổn tỷ giá dự kiến sẽ tăng lên trong khoảng quý tới.
Hiện các ý kiến thảo luận không còn xoay quanh thời điểm nâng lãi suất lần đầu của Fed mà chuyển sang xu hướng tiếp tục tăng lãi suất sau đó của Cục dự trữ liên bang. Và các ý kiến thảo luận sẽ xoay quanh thị trường lao động với những dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc làm đang được tạo ra, tuy nhiên tiền lương lại tăng chậm. Và theo đó ý kiến chung kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 1 đến 2 lần trong 12 tháng tới.
"Đứng từ lợi ích của Việt Nam, thì việc Fed tăng lãi suất từ từ sẽ không gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu thêm cả việc phá giá đồng Nhân dân tệ thì tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn", báo cáo phân tích.