MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngã đau mới sợ đường trơn

07-04-2014 - 13:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Những vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu, mất thanh khoản, hụt vốn chủ sở hữu... đã là bài học đắt giá cho những ông chủ ngân hàng đã và đang phải sáp nhập, hợp nhất.

Theo giới chuyên gia ngân hàng, bài học này sẽ giúp họ làm tốt hơn trong việc sắp xếp, cấu trúc lại hoạt động ngân hàng sau sáp nhập. Vì họ phải làm tốt để giữ lấy khoản tiền tươi thóc thật mà họ và người thân bỏ ra đầu tư. Đấy chính là đồng tiền "mồ hôi, nước mắt" của họ, nên họ phải lo mà giữ.

Khi quản trị thay đổi

Nếu là người ngoài nhìn vào cuộc sáp nhập giữa hai ngân hàng với nhau thì thấy rằng đây chỉ là việc làm mang tính hình thức, bởi vẫn ngôi nhà đó, mái ngói đó chứ không đụng đến vấn đề thầm kín trong hoạt động ngân hàng.

Nhưng bản chất không phải thế, cú ngã đau vì "đường đất trơn" trước đó đã khiến các ông chủ ngân hàng sợ và chọn cho mình con đường khác có lát gạch để đi cho an toàn. Chính sự thay đổi này cùng với sự giám sát, áp đặt yêu cầu quản trị và những quy định chặt chẽ của NHNN đã tạo nên sự khác biệt ở bên trong.

"Những gì diễn ra với hệ thống ngân hàng thời gian qua đã giúp cho những ông chủ thức tỉnh và cơ quan quản lý qua đó cũng rút ra cho mình những kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, giám sát và ban hành những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động ngân hàng", một chuyên gia ngân hàng nói.

Thực tế, nhìn vào kết quả hợp nhất giữa ba ngân hàng SCB, Tín Nghĩa, Đại Tín (nay là SCB) thì thấy tương đối rõ. Hiện ngân hàng này đã thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản, huy động vẫn tăng trưởng tốt và nợ xấu đang từng bước giảm dần.

Cụ thể, năm 2013, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 60 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2012 và bằng 16% kế hoạch năm. Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của ngân hàng đạt 181.019 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.

Huy động từ khách hàng của SCB cũng tăng 61% lên 147.098 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,23% xuống còn 1,63%, tương đương khoản nợ xấu 1.452 tỷ đồng. Theo SCB, giảm nợ xấu nhanh chóng nhờ việc bán nợ cho VAMC. Năm 2013, SCB đã chi trả 11.922 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn cho NHNN.

Dù vậy, thị trường không khỏi băn khoăn về kế hoạch sáp nhập hợp nhất khoảng 6 – 7 ngân hàng nữa trong năm 2014. Đúng là về mặt chuyên môn, NHNN có đầy đủ công cụ, quyền hành để đo lường và quyết định xem bao nhiêu ngân hàng phải hợp nhất, sáp nhập. Và việc hợp nhất sáp nhập ấy có tốt hơn cho họ hay không. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách khác để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như cho phá sản hay bán đứt cho nước ngoài giống trường hợp của GPBank, tại sao lại không làm?

Về vấn đề này, chuyên gia ngân hàng cho biết để phá sản theo kiểu Mỹ thì Việt Nam không làm được bởi kinh tế của mình khác, văn hóa của người gửi tiền cũng khác, bảo hiểm tiền gửi để chi trả cho người gửi tiền cũng khác…

Không chỉ vậy, điều thị trường băn khoăn nhất chính là nợ xấu. Trên thực tế, việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng với nhau không làm cho nợ xấu giảm đi về mặt số học. Điều này thực chất không giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Nợ xấu đã giảm thực

Thực ra, trong thời gian qua, bên cạnh việc bán nợ cho VAMC, các ngân hàng đã rất tích cực trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Theo kế hoạch, năm 2013, các TCTD trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn này khoảng 70.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, nợ xấu thực có giảm. Vì bên cạnh sự hỗ trợ của VAMC, chính các ngân hàng đang tự xử lý nợ xấu bằng tiền lãi của mình. Hãy xâu chuỗi các con số lợi nhuận của hệ thống ngân hàng các năm trước với năm 2012, 2013 là sẽ rõ. Những năm trước, ngân hàng lớn cứ báo lãi đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng năm 2013 thì giảm mạnh, thậm chí đến những ngân hàng lớn như ACB, Eximbank còn bị lỗ trong quý IV/2013. Vì sao vậy, vì họ đã dùng tiền lãi để trích lập dự phòng rủi ro.

Có thể ví lợi nhuận ngân hàng như nước ở trong tủ đá. Nếu không lấy một phần lớn ra để "rửa" các bát ăn (chính là nợ xấu) thì ngăn nước này vẫn đầy. Nhưng vì muốn rửa nợ xấu, các ngân hàng đã lấy một phần nước ở ngăn tủ đá ra để rửa. Có nghĩa là khoản nợ này đã nằm ngoài sổ sách.

Chắc hẳn nhiều người băn khoăn về việc vì sao các ngân hàng không xử lý dứt điểm khoản nợ xấu này với doanh nghiệp đi mà phải trích lập làm gì. Về vấn đề này, ông Phước cho biết, thực ra mọi khoản vay đều có tài sản đảm bảo và thường giá trị tài sản này thường lớn hơn khoản vay của khách hàng. Ví như, để vay được 1 tỷ, khách hàng phải có tài sản đảm bảo trị giá khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng, tùy từng yêu cầu của ngân hàng. Nếu bán tài sản này đi để thu hồi nợ thì nợ xấu của ngân hàng bằng 0.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng hợp tác trong việc này, vì vậy, để phát mại tài sản, ngân hàng rất mệt mỏi khi phải mất 1 – 2 năm để kiện tụng, thủ tục thanh lý lằng nhằng. Với những khách hàng không hợp tác thì phải qua mấy khâu như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm…

"Chính vì vậy, ngân hàng đã phải dùng một phần lợi nhuận của mình để đưa nợ xấu ra ngoài bảng. Đây là cách các TCTD tự cứu mình. Đấy chính là nguyên nhân vì sao mà lợi nhuận năm 2013 của các ngân hàng hầu như là giảm hoặc tăng rất ít", chuyên gia ngân hàng phân tích.

Còn về vấn đề doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì những khoản nợ xấu thì ngay chính các lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận sẽ thận trọng trong việc cho vay. "Ngân hàng vẫn cho vay nhưng tùy từng doanh nghiệp. Thực chất, vấn đề hiện nay cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng quan tâm là doanh nghiệp vay để làm gì, có tạo ra dòng tiền để trả nợ cũ, nợ mới và lãi vay hay không?", lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Theo Minh Huệ

hangnt

Thời báo tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên