MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng có thể bị tòa án tuyên bố phá sản

16-01-2014 - 01:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi bị dỡ bỏ kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng có thể bị tòa án tuyên bố phá sản chỉ trong vòng tối đa 15 ngày.

Đó là quy định mới nhất của dự thảo luật Phá sản (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong ngày 15.1.

Trước đó, tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, trong đó gồm cả ngân hàng được coi là các đối tượng "không thể đổ vỡ" vì liên quan đến tiền gửi của đại bộ phận người dân, sự an toàn của cả hệ thống tài chính quốc gia.

Nhưng tại dự thảo lần này, luật Phá sản đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức này. Một nội dung rất mới của dự thảo luật là việc áp dụng các quy định về thủ tục phá sản của TCTD. Đa số ý kiến của các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành.

Theo dự thảo, cứ khi nào Ngân hàng nhà nướccó văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì trong vòng 15 ngày tòa có quyền tuyên phá sản.

Điều đáng quan tâm, khi ngân hàng đóng cửa, thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay… sẽ như thế nào? Theo quy định, thứ tự đầu tiên sẽ là các khoản hoàn trả đặc biệt. Tức TCTD trước khi phá sản được vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước, TCTD khác nhưng vẫn không phục hồi được mà bị đóng cửa thì phải hoàn trả khoản này trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người gửi tiền, tài sản… tại ngân hàng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với Chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Anh Vũ

hangnt

Thanh niên

Trở lên trên