MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng đã sẵn sàng cho Basel II

25-09-2015 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo dự kiến đến tháng 2/2016, 10 ngân hàng được chọn thí điểm sẽ bắt đầu áp dụng các chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, trong xu hướng chung là tiệm cận với những chuẩn mực quản trị và an toàn hoạt động của ngân hàng hiện đại trên thế giới.

Theo lộ trình áp dụng Basel II của NHNN, sau 3 năm thực hiện, đến cuối năm 2018, những ngân hàng này sẽ phải đáp ứng tuân thủ các chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp nâng cao, và sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai áp dụng cho hệ thống.

Sau một giai đoạn tăng trưởng đầy bất trắc với Basel I, các ngân hàng Việt gần đây nói nhiều về Basel II như là một phương thức tất yếu giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời cũng có khả năng ra quyết định kinh doanh trên cơ sở có đầy đủ thông tin về rủi ro và mối liên hệ giữa các rủi ro. Về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông.

Hiện tại, nhiều ngân hàng khẳng định đã sẵn sàng chuẩn bị cho Basel II. Một ví dụ mới nhất là báo cáo gần đây của công ty xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ) về cách thức xây dựng hệ thống quản trị theo các chuẩn mực của Basel ở ngân hàng ACB.

ACB cho biết ngân hàng này đã tập trung lên kế hoạch áp dụng Basel II từ lâu. Giữa năm ngoái (6/2014), ngân hàng này đã chủ động gửi Báo cáo tình hình triển khai mức độ chênh lệch (Gap Analysis) và xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể (Risk Master Plan) cho Ngân hàng Nhà nước xem xét. Ngay từ đầu năm 2015, ACB đã thực hiện Báo cáo phân tích chênh lệch dữ liệu đối với 3 trụ cột (Rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường) và kế hoach triển khai tổng thể theo yêu cầu chuẩn mực vốn Basel II cho NHNN. Bên cạnh đó, ACB cũng đàm phán với công ty tư vấn về quản lý dữ liệu, xác thực hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để thẩm định khả năng sẵn sàng đáp ứng của ngân hàng theo yêu cầu của Basel II.

Các hoạt động của ngân hàng đều là hoạt động rủi ro. Giới hạn của rủi ro là tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi ngân hàng, bên cạnh một mẫu số chung của Ngân hàng Nhà nước. Điểm mấu chốt của sự thay đổi mô hình là ACB kiểm soát liên tục các hoạt động và nhận diện rủi ro từ sớm để có hành động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

“Các giới hạn rủi ro nội bộ được đề xuất bởi Bộ phận Quản trị rủi ro thị trường, dựa trên việc các mô hình giả định được thiết lập, dữ liệu lịch sử, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng và mục tiêu lợi nhuận muốn đạt được”, đại diện ACB cho biết.

Những giới hạn này sau đó được xem xét lại thường xuyên và phải thông qua Ủy ban Quản trị rủi ro, Hội đồng Quản trị hoặc Ủy ban Quản lý Tài sản nợ - có (ALCO), tùy theo điều kiện kinh doanh của thị trường. Giới hạn của 2 bên (Ngân hàng Nhà nước đưa ra và giới hạn nội bộ) sẽ được theo dõi đồng thời. Các báo cáo hàng ngày được đưa tới ALCO và các thành viên Hội đồng Quản trị.

Trong khi đó, về rủi ro hệ thống, ACB xây dựng chính sách và quy trình tích hợp các hoạt động quản trị rủi ro vào hoạt động thường xuyên của ngân hàng. Những kết quả này sẽ được báo cáo lại với Ủy ban Kiểm soát rủi ro và thường xuyên được xem lại bởi các thành viên Hội đồng quản trị.

Những sản phẩm dịch vụ mới cũng sẽ được xem xét rủi ro và báo cáo ngay lập tức trong quá trình cung cấp cho khách hàng. Kiểm toán nội bộ thực hiện đánh giá độc lập để bảo đảm kiểm soát hiệu quả và chất lượng của những sản phẩm trên, sao cho đáp ứng được với tiêu chuẩn mà ngân hàng đưa ra.

Tháng 7 năm trước, Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của ACB từ “tiêu cực” lên “ổn định”, một động thái phản ánh rằng sức ép lên hệ thống tài chính của ACB đã giảm bớt. Hồi tháng 6 vừa qua, Fitch tiếp tục giữ nguyên triển vọng này.

Fitch đồng thời cũng dẫn lại những chỉ số cho thấy ACB đang dần ổn định hơn. Hiện nay ACB đáp ứng tốt các tiêu chí an toàn mới nhất trong Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Tỉ lệ dự trữ thanh khoản ở mức 23,46% trong khi quy định là 10%, còn tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) duy trì ổn định ở quanh mức 14% trong vòng 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, ACB hiện đang là ngân hàng có cơ chế cho vay ít rủi ro. Tỉ lệ cho vay trung và dài hạn trên vốn ngắn hạn ở mức 18,09% trong khi tỉ lệ yêu cầu là dưới 60%.

Để hiện thực hóa lộ trình tuân thủ các chuẩn mực Basel II, ACB đã thành lập Ban Dự án triển khai Basel II để quản lý và giám sát chung chương trình triển khai Basel II của toàn ngân hàng để thực hiện đồng bộ các công việc khác nhau trong triển khai Basel II và đảm bảo sự thành công của Dự án triển khai Basel II. Ban Dự án cũng đóng vai trò là cầu nối giữa ACB và NHNN trong việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II theo đúng lộ trình đã đặt ra. Về bản chất, ý nghĩa của Basel II là quản lý rủi ro ở mỗi ngân hàng theo sự thay đổi của điều kiện thị trường. Những tiêu chuẩn là hướng dẫn chung, cho phép từng quốc gia điều chỉnh riêng, trong mỗi thị trường riêng biệt lại tùy thuộc vào từng điều kiện ngân hàng khác nhau. Do đó, vai trò của Ban Dự án triển khai Basel II trong mỗi ngân hàng là hết sức quan trọng.

Dù chi phí để xây dựng hệ thống này được tính bằng con số triệu USD, nhưng điều đáng mừng là những ông chủ ngân hàng ngày nay đã thay đổi nhận thức về con đường tăng trưởng của ngân hàng: ổn định và an toàn song song với mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận.

 

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên