MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng "nghẹn" tài sản thế chấp

26-01-2015 - 14:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự kiến vốn cho vay ra của các ngân hàng TP.HCM sẽ là 130.000 tỷ đồng, song nỗi lo cánh cánh là những tài sản đảm bảo cho vay đã biến thành nợ xấu "tắc nghẹn" không xử lý được.

Lãi suất giảm, tiền gửi tăng

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm 0,7-1,8%/năm tùy kỳ hạn, tuy nhiên tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn tăng 15% so với năm 2013, và chiếm tỷ trọng cao nhất tới 54% trong tổng tiền gửi của hệ thống tại TP.HCM, đạt 722.445 tỷ đồng trong tổng tiền gửi trên 1,343 triệu tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã giảm nhanh trong năm 2014, giảm phổ biến giảm 1,6-2,2%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và DN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, đảm bảo duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay ra đạt trên 1,067 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2013.

Với mức tăng tín dụng 1% tương ứng với 10.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 tổng nguồn vốn cho vay ra của các ngân hàng TP.HCM đạt 13%, tức 130.000 tỷ đồng.

Dù hoạt động của các DN còn nhiều khó khăn, năng lực quản trị điều hành hạn chế, tính minh bạch trong kinh doanh, trong hệ thống sổ sách thấp, không chỉ làm cho các ngân hàng khó xem xét, thẩm định cho vay mà còn làm cho chính các doanh nghiệp hạn chế trong việc thích ứng và cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, NHNN chi nhánh TP.HCM cùng với UBND TP.HCM đã tạo được các chương trình tiếp vốn rất hiệu quả để đẩy vốn ra. Các ngân hàng trên địa bàn đã tập trung cho vay theo chương trình cho vay bình ổn thị trường với tổng số tiền ký kết đạt 8.300 tỷ đồng, cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên các quận huyện đạt gần 40.000 tỷ đồng, cho vay khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 103.815 tỷ đồng, cho vay hỗ  trợ lãi suất  đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 800 tỷ đồng, cho vay các dự án kích cầu.

Cùng với lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ cũng ổn định, biến động 2% đúng như cam kết của Thống đốc đã hạn chế được tình trạng: đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ; mua bán ngoại tệ trái phép… đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn chủ động trong hoạt động kinh doanh, hạch toán chi phí và xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp lý, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Giảm nợ xấu mới “bơm” vốn

Mục tiêu tăng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM là 13% năm 2015, tiền gửi tăng 12% và nợ xấu dưới 3%. Vấn đề cho vay ra phải đảm bảo không tăng nợ xấu khiến các ngân hàng rất lo lắng vì hiện việc xử lý nợ xấu quá phức tạp.

Ông Tô Duy Lâm cho biết nợ xấu vẫn là tâm điểm xử lý của cả hệ thống ngân hàng trong năm 2015. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ, tiếp tục là khó khăn vướng mắc, do nhiều khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ỳ. Bên cạnh đó thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản; thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí của ngân hàng để thu hồi nợ.

Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triền Nông thôn (Agribank) tại TP.HCM, kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan pháp luật ban hành Thông tư liên ngành hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thông qua công tác thi hành án. Bộ Công an, NHNN ban hành Thông tư liên tịch để xử lý tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông khi khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương thực hiện và rà soát lại quy hoạch về đất đai, điều chỉnh những vùng quy hoạch đất treo quá 03 năm và điều chỉnh thông tin quy hoạch trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân thuận tiên thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB), cho rằng UBND TP.HCM nên tổ chức chủ trì một cuộc họp trong xử lý nợ giữa ngân hàng và cơ quan chức năng tại TP. HCM, vì hiện nay có nhiều hồ sơ vướng mắc không xử lý được.

Bên cạnh đó, TP.HCM quy hoạch lại những dự án BĐS đã quá lâu để phù hợp với giá thị trường hiện nay để ngân hàng hợp lý hóa giá cho phù hợp trong việc thẩm định tài sản vay vốn của khách hàng giúp tăng tín dụng, vì giá BĐS đang giảm mạnh so với trước đó.

Ông Nguyễn Đồng Tiến , Phó Thống đốc NHNN, cho rằng tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu là việc làm trọng tâm trong năm nay.  Bên cạnh đó, năm nay phải đưa được nợ xấu về 3%, đây là một áp lực không nhỏ đối với cả hệ thống vì nợ xấu sẽ được áp theo chuẩn mới sẽ tăng rất cao. Nhưng NHNN coi đây là điểm nóng nhất và phải thực hiện được.

>>> Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh đang tăng trưởng nhanh

Theo Linh Lan

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên