MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng trở thành... tiệm cầm đồ cao cấp

06-10-2012 - 22:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Do thiếu niềm tin nên ngân hàng trở thành một loại "tiệm cầm đồ" cao cấp, nghĩa là ưu tiên cho vay những doanh nghiệp có bất động sản, tài sản có tính thanh khoản tốt

Đã gần hết năm với bao hứa hẹn, nhưng do thiếu niềm tin lẫn nhau khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn còn ngân hàng lại khó tăng trưởng tín dụng.

Khúc mắc

Tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn và quản lý dòng tiền hiệu quả” diễn ra ngày 5/10 do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, lãnh đạo một doanh nghiệp họat động trong ngành nhựa tại TP.HCM cho biết, công ty anh phải sử dụng bất động sản để thế chấp vay vốn.

“Chúng tôi bắt buộc phải đầu tư qua địa ốc, cũng mua đất, mua nhà để lấy tài sản đó mang đi thế chấp ngân hàng”, vị này thừa nhận. Ngân hàng còn có một chức năng nữa là đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không chỉ là cho vay chỉ dựa vào tài sản thế chấp, nhưng chức năng này chưa được thể hiện trong thời gian qua.

Ông Phạm Thiên Long, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, nhiều doanh nghiệp muốn được thế chấp bằng hàng hóa, nợ hay dự án tương lai nhưng phía ngân hàng còn nhiều băn khoăn với những đề nghị này. Theo ông Long, hiện tại hàng tồn kho tăng cao, hàng hóa không bán được, doanh nghiệp cũng không thu được nợ vậy khi đem ra thế chấp ngân hàng làm thế nào để xử lý. Với dự án đang hình thành, ngân hàng cũng lo lắng nếu dự án dở dang thì khó thu hồi được nợ.

Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp TP.HCM cho hay, qua việc tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp thấy rằng, có những doanh nghiệp dùng vốn vay sai mục đích, quản lý dòng tiền không hiệu quả, yếu năng lực quản lý điều hành, công nghệ cũ,… Với những tồn tại như vậy, rất khó để ngân hàng tin tưởng cho vay.

Còn Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng đều có những khó khăn riêng. Doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng vì không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không có tài sản thế chấp, đang có nợ xấu và nợ quá hạn cao. Trong khi đó, ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng vì không thể cho vay dưới chuẩn do lo sợ nguy cơ nợ xấu.

Theo ông Phạm Thiên Long, hiện nay do thiếu niềm tin nên ngân hàng trở thành một loại "tiệm cầm đồ" cao cấp, nghĩa là ưu tiên cho vay những doanh nghiệp có bất động sản, tài sản có tính thanh khoản tốt.

Ai cho doanh nghiệp vay vốn?

Bà Lê Thị Kim Xuân cho hay, với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng thiếu điều kiện vay, thiếu tài sản thế chấp thì nên đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để được bảo lãnh vay vốn ở ngân hàng thương mại. Theo bà Xuân, đây là hướng đi có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Trần Bửu Long, các doanh nghiệp nên chủ động tới Quỹ bảo lãnh tín dụng. Đây là nơi có chức năng giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm sao thiết lập được chuẩn vay vốn trong điều kiện không có tài sản đảm bảo, tư vấn cho doanh nghiệp lập ra những dự án đầu tư thiết thực. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải trình bày dự án đầu tư khả thi để cho vay dài hạn hoặc có phương án kinh doanh khả thi để cho vay ngắn hạn, vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án này tối thiếu phải chiếm 10%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được có nợ đọng thuế.

Ông Phạm Thiên Long chia sẻ, nếu có dự án tốt, chủ doanh nghiệp dám mang tài sản cá nhân và gia đình đem thế chấp để thể hiện tính khả thi của dự án thì ngân hàng sẽ linh động cho vay. Doanh nghiệp cùng cần phải thành thật, minh bạch, rõ ràng với ngân hàng về tình hình hiện tại. Ngân hàng cần biết số vốn cho vay dùng để làm gì, đi về đâu mới yên tâm cho vay.

Ngoài ra, theo bà Xuân, phía ngân hàng cần xếp loại khách hàng và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp trên cơ sở thực trạng tài chính và khả năng phát triển, chú trọng vào các doanh nghiệp có khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, các ngân hàng cần thống kê đánh giá lại các khoản vay để xem xét lãi suất cho vay phù hợp, giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Xuyến Chi
Infonet

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên