MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên thống đốc NHNN nói gì về tỷ giá, nợ xấu?

24-04-2015 - 19:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo đánh giá của Nguyên thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, nợ xấu chiếm 3,22% tổng dư nợ là một điều đáng mừng. Song câu chuyện cũng cần xem xét một góc cạnh khác, đó là phần nợ xấu chuyển qua VAMC là bao nhiêu?

“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” là chủ đề chính của Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015. Bên cạnh chủ đề xuyên suốt là cải thiện môi trường kinh doanh, các chuyên gia kinh tế và diễn giả tham dự diễn đàn cũng đề cập đến nhiều vấn đề như tỷ giá, nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…

Trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, câu chuyện nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một câu chuyện dài, nó đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực và phải mất hàng chục năm mới có thể giải quyết được.

Về vấn đề nợ công, ông Thiên cũng cảnh báo rằng, nợ công của Việt Nam không chỉ gia tăng với tốc độ cao mà còn ở xu hướng “nội địa hóa” khi dựa nhiều vào trái phiếu Chính phủ thay vì ODA.

Phát biểu bế mạc diễn đàn năm nay, ông Nguyễn Văn Giàu – nguyên thống đốc NHNN, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho hay, trong buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới mới đây, cơ quan này đánh giá nợ công của Việt Nam nếu tính thêm các phần khác, có thể phải lên đến 70-75% GDP.

Ông Giàu cho biết, cách tính của WB là cộng hết toàn bộ nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, nhưng luật của Việt Nam không quy định như thế. Tuy nhiên, ông cho rằng đó là cách tính khách quan.

Theo đánh giá của Nguyên thống đốc NHNN, nợ xấu chiếm 3,22% tổng dư nợ là một điều đáng mừng. Song câu chuyện cũng cần xem xét một góc cạnh khác, đó là phần nợ xấu chuyển qua VAMC là bao nhiêu?

Trước đó, báo cáo về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, quá trình này cần phải có nguồn lực và ngân sách.

Trả lời kiến nghị của bà Hồng, Nguyên thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, cả ở tái cơ cấu lần 1 và tái cơ cấu lần này, nhà nước đều có chính sách, chẳng hạn như phát hành trái phiếu đặc biệt, sau đó vay vốn thế chấp tại ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cách làm của Việt Nam khác với các nước trên thế giới.

Về tỷ giá, ông Giàu cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, trong điều hành tỷ giá, ngân hàng có cách tính toán riêng và cần phải tạo niềm tin cho người dân.

Tuy nhiên cựu Thống đốc cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải có thông điệp phù hợp, đúng đắn để các chuyên gia tin tưởng vào mức độ chính xác của các vấn đề liên quan đến tỷ giá.

Theo ông Giàu, việc tăng tỷ giá khiến cán cân tổng thể thặng dư 5 tỷ là yếu tố quan trọng, quan hệ cung cầu ngoại tế là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, NHNN cần đưa ra thông điệp phù hợp trong điều hành tỷ giá.

Phó Thống đốc NHNN: Tỷ giá tăng, cán cân thương mại vẫn sẽ thặng dư 5 tỷ USD

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên