Nhiều chiêu thức “hành” người vay của ngân hàng
Để được vay vốn ưu đãi, nhiều người bị bắt buộc phải mở thẻ ATM, thẻ Visa, mua phí bảo hiểm khoản vay, phí định giá tài sản, phí bảo lãnh...
Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã triển khai được hơn 2 năm. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến nay, số tiền các ngân hàng đã cam kết giải ngân là hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân hơn 10.100 tỷ và hơn 24.000 hộ dân đã được giải ngân.
Thời gian trước, tốc độ giải ngân còn chập chạp, nhưng gần đây những vướng mắc trong gói tín dụng ưu đãi này dần được tháo gỡ, kết hợp với giá nhà đã giảm khá mạnh so với giai đoạn 3-4 năm trước (trung bình giảm khoảng 20-30%) nên tốc độ giải ngân đã nhanh hơn đáng kể, và theo số liệu của Bộ Xây dựng thì bình quân được 1.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Đó hẳn là những dấu hiệu đáng mừng không chỉ của gói 30.000 tỷ đồng mà còn là của hoạt động tín dụng ngân hàng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cho vay đã nhanh hơn, tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn nhưng người vay tiền trong gói ưu đãi này vẫn gặp không ít những khó khăn để tiếp cận được với dòng vốn.
Từ bắt làm thẻ ATM, thẻ Visa…
Anh Hoàng Tùng, một cán bộ đang làm việc tại một công ty con của Tổng công ty Sông Đà ở Hà Nội cho biết, gia đình anh mua một căn nhà diện tích 45m2, giá nhà là 14,5 triệu đồng/m2 và anh làm hồ sơ vay 70% giá trị căn nhà, tương đương khoảng 400 triệu đồng của Ngân hàng B. chi nhánh Tây Hồ trên phố Thụy Khuê.
Ngoài các thủ tục cần thiết của việc vay vốn trong gói này như xác nhận đối tượng thu nhập thấp, tình trạng nhà ở, các giấy tờ, thủ tục phải chứng minh theo hồ sơ tài sản đảm bảo… anh còn bị ngân hàng kia “hành” đến mấy tháng trời mới được giải ngân.
Đầu tiên, theo anh Tùng, cán bộ tín dụng của ngân hàng B. yêu cầu công ty của anh phải mở tài khoản thẻ ATM và thẻ Visa của ngân hàng. Các đồng nghiệp của anh đều phản đối vì việc mở thẻ này là vô lý, là không đúng nhu cầu của họ, chưa kể còn phải đóng các khoản phí phát sinh.
Tuy nhiên, khi công ty anh không mở thẻ ở ngân hàng, thì phía ngân hàng B. kia cũng không hoàn tất các thủ tục để cho vay. Cực chẳng đã, anh đành phải thuyết phục từng người. Vì hoàn cảnh của anh Tùng rất khó khăn, biết là chuyện vô lý nhưng nghĩ rằng mở thẻ không dùng thì sẽ không sao cả, nên gần 20 đồng nghiệp trong công ty đã “chậc lưỡi” mở thẻ và tài khoản của ngân hàng B. kia.
Sau khi được đồng nghiệp hỗ trợ, anh Tùng hoàn thành nốt các thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng. Phía ngân hàng cũng xác nhận hồ sơ của anh đã đầy đủ.
Đến bắt mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí định giá hàng năm
Tưởng chừng như vậy là đã xong để có thể nhận tiền mua nhà, nhưng sau 2 tháng chờ đợi, anh Hoàng Tùng lại đón nhận thêm một yêu cầu nữa từ phía ngân hàng đó là bắt mua bảo hiểm khoản vay. Dù băn khoăn về khoản này, nhưng khi cán bộ tín dụng giải thích rằng, việc bảo hiểm là để phòng cho các trường hợp anh mất khả năng chi trả, thì phía bảo hiểm sẽ hỗ trợ, và vì rất cần vay tiền nên anh đành phải mua bảo hiểm của công ty con thuộc ngân hàng này.
Chưa dừng lại ở đó, cán bộ tín dụng của ngân hàng B. kia còn bắt anh đóng thêm một khoản chi phí nữa đó là phí định giá nhà trong các năm (thời gian 10 năm). Tham khảo nhiều người vay tiền khác, anh Tùng thấy đây là yêu cầu rất vô lý và anh không đồng ý vì đã rất mệt mỏi khi phải chạy theo các thủ tục của ngân hàng, cuối cùng nhân viên tín dụng của ngân hàng kia tự động giảm mức phí định giá nhà cho anh từ 10 năm xuống còn …1 năm, với chi phí là 300 nghìn đồng.
Cuối cùng, không còn gì để “hành” nữa, anh Tùng đã được ngân hàng giải ngân trong tháng 8 vừa qua.
Một trường hợp khác là của ông Nguyễn Tấn Trung ở Tp. Hồ Chí Minh. Ông Trung ký hợp đồng mua căn hộ chung cư với chủ đầu tư và được vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, ông đã làm hồ sơ vay 540 triệu đồng tại Ngân hàng BIDV. Không bị bắt làm thẻ nhưng ông Trung cũng bị nhân viên ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm khoản vay trị giá 2% trên tổng số tiền vay, tức hơn 10 triệu đồng.
Ngân hàng nói gì?
Đem vấn đề của anh Tùng đi hỏi một số lãnh đạo ngân hàng cũng đang triển khai gói cho vay 30.000 tỷ đồng và cả đại diện NHNN, các vị đều khẳng định với chúng tôi rằng theo quy định của NHNN thì không hề có các khoản phí hay các quy định trên trời như ở ngân hàng kia.
Liên hệ với ngân hàng B., chúng tôi được trả lời rằng tất cả các khoản như mua bảo hiểm hay mở thẻ ngân hàng…cũng không bắt buộc và do chính sách ở từng chi nhánh thỏa thuận với người vay!
Bức xúc của anh Tùng và ông Trung nói trên cũng là một trong vô vàn bức xúc của người vay tiền trong gói ưu đãi. Cá nhân ông Trung đã không im lặng và gửi câu hỏi đến cơ quan chức năng để tìm câu trả lời. Sau những khúc mắc của ông Trung, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu BIDV rà soát và báo cáo NHNN về phản ánh của người vay tiền. Trong công văn trả lời NHNN, BIDV cũng khẳng định không bắt buộc khách hàng mua các loại bảo hiểm, nộp các loại phí trái, ngoài quy định về cho vay gói 30.000 tỷ đồng
Có tránh được “bẫy”?
Những vấn đề trong việc cho vay vốn gói 30.000 tỷ ở một số ngân hàng như hai trường hợp kể trên không phải là hiếm. Nhiều người cho biết họ cũng tìm hiểu về điều kiện, thủ tục vay vốn trong gói ưu đãi từ Nhà nước và thừa biết các yêu cầu của cán bộ tín dụng là sai, tuy nhiên không còn cách nào khác họ buộc phải làm theo để được vay vốn.
“Biết là sai nhưng vay tiền ngân hàng nào cũng vậy, không vấn đề này thì thủ tục khác. Đấy là chưa kể các dự án chúng tôi vay đều liên kết với ngân hàng để cho vay, nên việc lựa chọn ngân hàng để giải ngân hầu như là không có”, chị Nguyễn Thị Yến, một người vay tiền mua nhà ở xã hội nhưng may mắn hơn là không bị nhiều rủi ro như anh Tùng, chia sẻ với chúng tôi.
Bình luận về các vấn đề liên quan đến thủ tục vay vốn, các chuyên gia đều chung ý kiến rằng, người vay tiền khó tránh được những thủ tục và yêu cầu rắc rối. Các ngân hàng họ cũng không dại gì để lộ sai sót, mà sẽ tìm cách hợp thức hóa bằng cách đưa vào hợp đồng vay vốn các điều khoản nêu rõ khách hàng tự nguyện tham gia. Vì thế mới có chuyện, những khúc mắc của khách hàng dù được ai trả lời thì cuối cùng cũng lộ rõ họ là người sai.
Tuy nhiên cũng không phải là không có cách để người vay tiền thoát được “bẫy” của bên cho vay. Theo các chuyên gia, để tránh tối đa những thủ tục vô lý và mất tiền oan, người vay tiền cần nắm rõ thủ tục, đọc rõ từng điều khoản, yêu cầu bên cho vay giải thích tận tường, thỏa đáng trước khi đặt bút ký hợp đồng.