MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN đang có quá nhiều mục tiêu

26-02-2016 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện vừa công bố, Việt Nam cẩn giảm việc giao cho NHNN phải đạt quá nhiều mục tiêu.

Để làm được điều này, các cơ quan có thẩm quyền có thể lựa chọn hướng NHNN quản lý chặt tỷ giá hay là tập trung vào mục tiêu lạm phát. Cả hai phương án đều đáng được xem xét nghiêm túc và đều cần dựa trên nhiệm vụ rõ ràng của NHNN về ổn định giá cả.

Báo cáo chỉ ra, Chi-lê, Hàn Quốc, Nam Phi và Thái Lan theo đuổi chiến lược lạm phát mục tiêu truyền thống, thì Singapore lại duy trì được lạm phát thấp và ổn định bằng cách quản lý chặt tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa. Ngân hàng trung ương của các quốc gia đó được giao nhiệm vụ chính là ổn định giá cả; các nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm giải trình với Chính phủ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và họ sử dụng các phân tích kinh tế và tiền tệ dựa trên những mô hình thích hợp để đánh giá tính hình thực thi chính sách và truyền thông về các quyết định của mình.

Đồng thời phải tăng cường năng lực phân tích và nghiệp vụ của cán bộ NHNN. NHNN có thể giao nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ cho một Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) hoạt động độc lập. Một loạt các vấn đề về tổ chức và năng lực phân tích cần được giải quyết để MPC hoạt động hiệu quả. Đó là điều kiện bổ nhiệm thành viên, tần suất họp, các yêu cầu về báo cáo, hình thức tranh luận chính sách và công bố thông tin của MPC.

Khi tiếp tục phát triển các nghiệp vụ tiền tệ, cần lựa chọn mục tiêu tác nghiệp phù hợp với chiến lược chính sách tiền tệ. Các công cụ tiền tệ cần theo định hướng thị trường và có hiệu lực để đạt được mục tiêu đó. Một khung khổ lành mạnh cho quản lý thanh khoản và dự báo các khoản mục trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo hiệu quả tác nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị NHNN có thể thực hiện chức năng ổn định giá cả để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nếu NHNN có sự độc lập trong hoạt động. Tuy nhiên, tính tự chủ của ngân hàng trung ương luôn gắn liền với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cần luật hóa nghĩa vụ thường xuyên công bố cho các cơ quan chính sách liên quan và công chúng để đảm bảo trách nhiệm giải trình của NHNN trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, một biện pháp cụ thể đảm bảo chính sách tiền tệ được thực thi mà không phải quan ngại về sự lấn át của chính sách tài khoá là NHNN không được tham gia vào các nghiệp vụ có tính chất ngân sách.

Vì vậy, theo báo cáo, Việt Nam cần giảm việc giao cho NHNN phải đạt quá nhiều mục tiêu; đồng thời tăng cường khả năng điều hành và nghiên cứu của NHNN. Môi trường lạm phát thấp trên toàn cầu là cơ hội để đưa ra sự lựa chọn và xử lý thích hợp khung khổ chính sách tiền tệ trước khi các điều kiện về tiền tệ trên toàn cầu trở nên chặt chẽ hơn về sau.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên