MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những vướng mắc trong thi hành án để TCTD thu hồi nợ

12-11-2012 - 15:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc khởi kiện để thu hồi nợ đối với các TCTD là việc làm “cực chẳng đã” khi đã hết cách mà khách hàng vẫn chây ỳ.

 Thế nhưng mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên xử lý tài sản bảo đảm, nhưng trong quá trình thi hành bản án, quyết định nêu trên TCTD vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật

Quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 về việc yêu cầu người được thi hành án phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đã gây không ít khó khăn cho TCTD bởi lẽ: Đối với những cá nhân, tổ chức (là người phải thi hành án) đã không có mặt tại nơi cư trú, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh… mà Tòa án các cấp đã quyết định xét xử vắng mặt thì việc xác minh điều kiện thi hành án đối với họ là rất khó khăn.

Ví dụ: TCTD muốn xác minh Công ty TNHH A (là người phải thi hành án) có nộp thuế tại cơ quan thuế hay không để biết khả năng tài chính và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Quản lý thuế thì TCTD không phải là đối tượng được cơ quan thuế cung cấp thông tin nộp thuế của doanh nghiệp. Do vậy, Cơ quan thuế từ chối cung cấp thông tin cho TCTD.

Mặc dù Luật thi hành án dân sự năm 2008 có quy định TCTD có quyền làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án (CQTHA) thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhưng trên thực tế việc xác minh theo đơn yêu cầu của TCTD không phải lúc nào cũng được thực hiện ngay. Với nhiều lý do khác nhau việc xác minh thường kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.

Ví dụ: Xác minh về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất và nhà tại các địa phương thường mất nhiều thời gian. Cơ quan quản lý thông tin với nhiều lý do khác nhau thường chậm trong việc cung cấp thông tin. Việc cơ quan có thẩm quyền chậm cung cấp thông tin đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi hành án, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của TCTD.

Bên cạnh đó, TCTD còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ. CQTHA dân sự ký Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với Tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã thông báo bán đấu giá nhưng không có người mua tài sản. Vấn đề đặt ra là xử lý tài sản đã được thông báo bán đấu giá nhưng không có người mua như thế nào?

Theo quy định tại Điều 104 Luật thi hành án dân sự thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá đã định. Tuy nhiên, CQTHA dân sự lại có quan điểm khác nhau về việc giảm giá tài sản đưa ra bán đấu giá cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: sau 10 ngày kể từ ngày thông báo bán đấu giá mà không có người mua (không có người nộp hồ sơ tham gia đấu giá, không có người tham gia phiên đấu giá) thì phải coi là bán đấu giá không thành. Nếu các đương sự không yêu cầu định giá lại tài sản thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục đưa tài sản ra bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng: cần phải làm rõ trường hợp bán đấu giá không thành thì mới có cơ sở áp dụng Điều 104 Luật thi hành án dân sự để giảm giá tài sản. Đối với tài sản đã được Tổ chức bán đấu giá thông báo bán đấu giá nhưng không có người nộp hồ sơ tham gia đấu giá thì không được coi là bán đấu giá không thành vì trên thực tế Tổ chức bán đấu giá không mở phiên đấu giá vì không có người nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Trường hợp này Chấp hành viên không được giảm giá tài sản để tiếp tục đưa ra bán đấu giá.

Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cũng chưa có hướng dẫn về vấn đề này nên việc hiểu và áp dụng pháp luật của CQTHA dân sự các cấp có sự khác nhau. Có Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản và tiếp tục đưa tài sản ra bán đấu giá. Tuy nhiên, cũng có Chấp hành viên không ra quyết định giảm giá tài sản mà vẫn đưa tài sản ra bán đấu giá với mức giá đã định. Trong nhiều trường hợp việc không giảm giá tài sản của CQTHA dân sự đã ảnh hưởng đến việc bán đấu giá tài sản, làm chậm quá trình thu hồi nợ của TCTD.

Còn tiếp

ThS. Nguyễn Hoàng Hưng - Văn phòng Luật sư An Phát Phạm

Theo thời báo ngân hàng

hangnt

Trở lên trên