MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo tội phạm ngân hàng

09-11-2013 - 20:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống kê của ngành Công an cho thấy, dù chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số các vụ phạm tội (0,22%), song mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng lại chiếm tới 60%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng cũng chịu nhiều tác động khiến cho lợi nhuận ngày càng đi xuống. Thế nhưng, các đối tượng tội phạm vẫn không ngừng rình rập và ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đang làm đau đầu không chỉ lãnh đạo các ngân hàng mà ngay cả cơ quan quản lý. Con số thống kê của ngành Công an cho thấy, dù chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số các vụ phạm tội (0,22%), song mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng lại chiếm tới 60%.

Theo các chuyên gia, có hai loại đối tượng tội phạm chính trong lĩnh vực này là: Tội phạm bên ngoài ngân hàng và tội phạm nội bộ ngân hàng. Trong đó, các thủ đoạn: Trộm, cướp, lập dự án “ma” để đánh lừa ngân hàng, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức thường được các đối tượng bên ngoài sử dụng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Để ngăn chặn các hành vi trộm, cướp, các ngân hàng đã sử dụng các biện pháp an ninh như: Lắp đặt camera giám sát, bố trí lực lượng bảo vệ… Song vẫn còn những kẽ hở như vị trí lắp camera gây khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt, bảo vệ lơ là trong nhiệm vụ, đặc biệt trong những thời điểm cuối ngày.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động, các ngân hàng thường dành nhiều ưu đãi cho các khách hàng VIP, có lịch sử tín dụng tốt. Song nhiều trường hợp, chính sự tín nhiệm này đã khiến cho ngân hàng phải “khóc dở mếu dở” khi khách hàng “trở mặt”.

Trong nội bộ ngân hàng, nhiều vấn đề đạo đức cũng nhức nhối khi cán bộ ngân hàng cấu kết với đối tượng bên ngoài tham ô, nhận hối lộ, lập chứng từ giả, lấy cắp mật khẩu của đồng nghiệp, cố ý làm trái quy định của ngân hàng, vi phạm quy định về cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn để hợp thức hóa thủ tục vay vốn, chiếm đoạt tiền của khách gửi tiền…

Một kết quả khảo sát của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đối với 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua cho thấy, trong 117 bị can bị khởi tố thì có tới 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm 69,2%).

Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro - Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của ba ngân hàng (Ngân hàng Công thương, Á Châu và Ngân hàng Nam Việt); vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, xảy ra tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng; vụ án với sự thông đồng, cấu kết của 19 DN, 82 cá nhân và 2 cán bộ Ngân hàng Công chi nhánh Nhà Bè chiếm đoạt 3.800 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè…

Để nâng cao nhận thức của ngành ngân hàng trong công tác phòng chống tội phạm, thời gian gần đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng và cơ quan công an tổ chức nhiều buổi tọa đàm bàn về vấn đề này.

Tại đây, các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng đã được thảo luận nhằm rút ra bài học cũng như dự báo về các thủ đoạn mới của tội phạm trong thời gian tới. Từ đó các ý kiến cho rằng, con người là nhân tố đóng vai trò then chốt trong công tác đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động tín dụng. Do vậy, công tác tuyển dụng đào tạo kết hợp với kiểm tra, giám sát cần được các ngân hàng quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Theo Nguyễn Hiền

hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên