MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cao Sĩ Kiêm: Để xảy ra tình trạng như VNCB thì NHNN cũng có một phần trách nhiệm

05-02-2015 - 11:39 AM | Tài chính - ngân hàng

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng. Nhà đầu tư có quyền được biết vì sao số tiền của họ lại bị mất và mất như thế nào.

TS. Cao Sỹ Kiêm
TS. Cao Sỹ Kiêm
Nguyên Thống đốc NHNN
16 bài viết

Tóm tắt:

- Cổ đông đã xác định đầu tư thì phải tuân theo nguyên tắc thị trường là “lời ăn lỗ chịu”

- Nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng

- Để xảy ra tình trạng như VNCB thì NHNN cũng có một phần trách nhiệm


Đây là chia sẻ của TS. Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chúng tôi khi nói về việc NHNN vừa có quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần.

NHNN vừa có quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng, ông đánh giá như thế nào về biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém này của NHNN?

Tôi cho rằng, quyết định này của NHNN là thể hiện tinh thần hội nhập, trách nhiệm của NHNN với các ngân hàng kinh doanh không hiệu quả, buộc phải tái cơ cấu. Ngân hàng VNCB được NHNN mua lại với giá 0 đồng vì ngân hàng này đã mất hết vốn, việc mua lại chỉ là hành động lấy lại thương hiệu thay vì cho phá sản.

Tuy nhiên, nhiều người đang tỏ ra băn khoăn vì quyền lợi của các cổ đông bỗng chốc chở thành “trắng tay”?

Cổ đông đã xác định đầu tư thì phải tuân theo nguyên tắc thị trường là “lời ăn lỗ chịu”. Người được đảm bảo quyền lợi duy nhất ở chỉ là những người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng VNCB mà thôi.

Mới đây đã có ý kiến nói rằng "Không phải chịu trách nhiệm hình sự là may mắn với các cổ đông VNCB", ông nghĩ sao?

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với những cá nhân phạm pháp, còn đối với những cá nhân đặc biệt là những cá nhân nhỏ lẻ thì không có lý gì để làm như thế với họ. Trong bối cảnh như hiện nay, nói như thế sẽ khiến nhiều người dễ tự ái.

Việc NHNN mua lại ngân hàng VNCB với giá 0 đồng/cổ phần có lẽ đã không còn là câu chuyện riêng của VNCB và các cổ đông của ngân hàng này mà nó đã trở thành vấn đề quan tâm của tất cả giới đầu tư. Ông có cho rằng để tránh những hiểu lầm NHNN nên công bố rõ ràng về số tiền lỗ của VNCB không?

Tôi cho rằng nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng. Với một ngân hàng hay doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì sẽ công khai minh bạch được báo cáo tài chính của mình nhưng đối với những ngân hàng chưa niêm yết, đặc biệt là những trường hợp như ngân hàng VNCB thì để các nhà đầu tư tiếp cận được báo cáo tài chính cũng không hề dễ dàng.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trường hợp các cổ đông của ngân hàng VNCB lần này là bỗng chốc trở thành trắng tay chứ không phải là lỗ 1 -2 quý đơn thuần, do đó họ phải có quyền được biết tại sao số tiền của mình đầu tư lại bị mất và mất như thế nào.

Ngân hàng VNCB là trường hợp đầu tiên bị quốc hữu hóa ở Việt Nam, từ vụ việc này ông nhìn thấy điều gì ở thị trường tài chính ngân hàng hiện nay?

Trước hết phải nói đến vấn đề ở ngân hàng VNCB, một số người làm lãnh đạo của ngân hàng này có ý đồ lừa đảo, chụp giật ngay từ đầu thông qua hình thức chuyển đổi cổ phiếu tinh vi, dùng tiền ảo để đầu tư vào cổ phiếu dẫn đến những tác động xấu đến hệ thống cũng như xã hội.

Thứ hai, những quy định và thực hiện pháp luật chưa nghiêm đã dẫn đến hậu quả như bây giờ. Vụ việc này cũng phần nào đó làm mất lòng tin của một bộ phận khách hàng với ngân hàng.

Thứ ba, NHNN cũng có trách nhiệm trong việc giám sát quản lý ngân hàng VNCB. Đúng ra, khi có những dấu hiệu rủi ro (như kinh doanh lỗ, không nộp thuế, kiểm toán...) NHNN đã phải có cảnh báo tuy nhiên việc giám sát quản lý không tốt nên những sai phạm của ngân hàng khi đến mức quá nghiêm trọng, không thể kiểm soát.

Tóm lại, dẫn đến hệ quả như ngân hàng VNCB hiện nay có một phần trách nhiệm quản lý của NHNN.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thông tin của ngân hàng không phải lúc nào cũng công khai được vì làm như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, thưa ông?

Có thể không để thông tin đó ra ngoài nhưng là cơ quan quản lý NHNN phải nắm được tình hình và có phương án khắc phục ngay. Trong trường hợp không khắc phục được phải công khai với công chúng và đưa ra các giải pháp như ngừng hoạt động sáp nhập hoặc giải thể...

Theo ông bức tranh về các ngân hàng của Việt Nam hiện nay có nhiều “hiện tượng” như ngân hàng VNCB hay không?

Tôi cho rằng, trong ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay hiện tượng như ngân hàng VNBC là có nhưng trường hợp này có lẽ ít thôi. Và tôi cũng cho rằng, việc chọn giải pháp mua lại VNCB của NHNN là việc làm bất đắc dĩ. Các giải pháp sáp nhập ngân hàng lớn “cõng” ngân hàng nhỏ có lẽ vẫn là giải pháp được NHNN ưu tiên.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi  (thực hiện)

Hạnh Lệ

Tài chính Plus

Trở lên trên