Phụ thuộc tín dụng, ngân hàng “sợ” giảm lãi suất cho vay?
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng nói lên một thực tế, đó là lợi nhuận ngân hàng vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng.
- 01-08-2015Không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay
- 31-07-2015Giảm lãi suất cho vay: Nhiệm vụ Thống đốc giao, ngân hàng có “khả thi”?
- 23-06-2015“Khó giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn”
Mặc dù rất nhiều ngân hàng nỗ lực tăng nguồn thu từ dịch vụ, nhưng đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn đến từ tín dụng, chiếm khoảng 70%. Thậm chí còn có ngân hàng bị âm nguồn thu từ dịch vụ hay lỗ từ hoạt động kinh doanh khác.
Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiếp tục khẳng định định hướng giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm thêm 1 - 1,5%. Tuy nhiên, không ít ngân hàng, chuyên gia phản hồi về khả năng khó giảm lãi suất do nhiều áp lực, quan trọng là chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang ở mức thấp khó giảm thêm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, do còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng nên các ngân hàng ngại giảm lãi suất, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.
Lợi nhuận vẫn dựa vào tín dụng
Ví như với BIDV, lãi thuần từ tín dụng quý II đạt 3.889 tỷ đồng, trong khi lãi từ các hoạt động khác chỉ đạt 1.711 tỷ đồng chưa kể hoạt động kinh doanh chứng khoán còn bị lỗ hơn 88 tỷ đồng.
Hay như ACB, trong khi lãi thuần quý II từ hoạt động tín dụng đạt 1.367 tỷ đồng, thì lãi từ các nguồn thu khác chỉ đạt 301 tỷ đồng, chưa kể hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán lỗ 40 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của VIB cũng cho thấy, 6 tháng lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt 627 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước thì nguồn thu từ các hoạt động khác khá khiêm tốn, chỉ đạt 82,5 tỷ đồng.
Hay như Eximbank, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng âm 4,2%, nhưng lãi thuần từ hoạt động tín dụng vẫn đạt 658 tỷ đồng, trong khi các nguồn thu từ hoạt động khác chỉ đạt 139 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động tín dụng của Sacombank đạt 3.794 tỷ đồng, trong khi lãi từ các nguồn thu khác chỉ khiêm tốn ở con số 670 tỷ đồng. Theo tính toán của CTCK TP.HCM (HSC), 6 tháng đầu năm ghi nhận tỷ lệ lãi biên (tỷ lệ NIM) tăng từ 4,44% cuối năm 2014 lên 4,58%, tăng nhẹ 0,15%.
Hay như Vietinbank cũng vậy, trong khi 6 tháng đầu năm lãi thuần từ hoạt động cho vay đạt 15.365 tỷ đồng, thì lãi từ các hoạt động khác khá khiêm tốn, chỉ đạt 4.701 tỷ đồng. Theo tính toán của HSC, tỷ lệ NIM (tỷ lệ lãi biên) của Vietinbank giảm 0,16% từ 3,30% còn 3,14%
Còn trường hợp của Techcombank, báo cáo tài chính 6 tháng của Tập đoàn Masan có đề cập đến kết quả kinh doanh của công ty liên kết là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Theo đó, 6 tháng đầu năm, Techcombank lãi 1.032 tỷ đồng là nhờ thu nhập lãi thuần tăng 36,6% do tăng trưởng tín dụng tăng 13,2% và lợi nhuận biên được cải thiện.
Lãi suất có còn cơ hội giảm?
Dựa trên lãi suất huy động và cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố vào cuối tháng 7, người viết thấy rằng vẫn còn biên độ để giảm lãi suất cho vay. Vấn đề còn lại là sức ép của NHNN đến đâu và các NHTM lấy nguồn thu nào để bù đắp vào sự sụt giảm lợi nhuận do giảm lãi suất.
Theo tính toán, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng hiện đang trên 3%. Cụ thể, NHTM Nhà nước có mức chênh là 3,25%, NHTM cổ phần là 3.49%. Với xu hướng giảm lãi suất huy động hiện nay của hệ thống ngân hàng, nếu lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên mức chênh sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, dựa trên bảng số liệu lãi suất huy động và cho vay này, người viết có tính toán mức lãi suất cho vay bình quân đối với sản xuất kinh doanh thông thường của các NHTM Nhà nước kỳ ngắn hạn là 7,9%, dài hạn là 9,65%; còn lĩnh vực ưu tiên kỳ ngắn hạn là 6,5%, dài hạn là 9,5%.
Với lãi suất bình quân như vậy, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của các NHTM Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường kỳ ngắn hạn là 4,25%, dài hạn là 3,03%; Lĩnh vực ưu tiên với kỳ ngắn hạn chênh 2,85%, dài hạn 2,88%.
Bình quân lại, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các NHTM Nhà nước kỳ ngắn hạn của các NHTM Nhà nước là 3,55%, dài hạn là 2,95%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bình quân các NHTM Nhà nước là 3,25%.
Còn các NHTM cổ phần hiện đang có mức lãi suất cho vay bình quân kỳ ngắn hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông tường là 8.4%, dài hạn là 10.5%; còn lĩnh vực ưu tiên kỳ ngắn hạn là 7%, dài hạn là 10.25%.
Với lãi suất bình quân như vậy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các NHTM cổ phần kỳ ngắn hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường là 4,9%, dài hạn là 3,88%; Lĩnh vực ưu tiên kỳ ngắn hạn chênh 3,35%, dài hạn là 3,63%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bình quân của các NHTM cổ phần là 3,49%.
Tất nhiên, con số này chỉ mang tính tương đối, bởi yếu tố cấu thành nguồn vốn đầu vào của ngân hàng gồm nhiều nguồn như trái phiếu Chính phủ, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động trên thị trường 1…
Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đã giảm mạnh so với những năm 2012 đổ về trước. Dù vậy, với tỷ lệ này, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn có thể giảm tiếp. Bởi theo tính toán của giới chuyên gia, chỉ cần chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đạt tỷ lệ tối thiểu 3% là đã có lãi rồi.
Cần phải nói rằng, đây là lãi suất bình quân, không phải ngân hàng nào cũng áp dụng mức lãi suất này. Có ngân hàng sẽ có chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay cao hơn tỷ lệ bình quân của hệ thống, do lãi suất cho vay cao hơn.
Một yếu tố nữa cũng tác động đến chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng, đó là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.
Hiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được nới lên 60% và nếu ngân hàng sử dụng tối đa tỷ lệ này thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay sẽ cao hơn tỷ lệ bình quân của hệ thống. Vì lãi suất huy động ngắn hạn thường thấp, còn lãi suất cho vay dài hạn thường cao.
Báo cáo tài chính 6 tháng của nhiều ngân hàng cho thấy tỷ lệ cho vay dài hạn tăng lên khá mạnh, ví như Sacombank có tỷ lệ 70%, Vietcombank 40%, VIB 60%, BIDV 51%, Vietinbank khoảng 50%...
Đặc biệt, nếu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cũng có mức chênh lệch lãi suất cao hơn. Ví như SHB có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng này chiếm 16,30%/tổng dư nợ, đạt 19.337 tỷ đồng, MB cho vay nhóm khách hàng này đạt 23.593 tỷ đồng, chiếm 21,28%/tổng dư nợ…
BizLIVE