MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVFC và Westernbank về "chung một nhà": Lo nợ xấu vẫn… ngổn ngang

07-10-2013 - 16:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Với nợ xấu quy mô nhỏ, việc xử lý có thể sẽ dễ dàng nếu không có tranh chấp pháp lý liên quan đến khoản vay. Còn với quy mô nợ xấu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, thì sẽ không dễ xử lý.

Ngân hàng TMCP đại chúng Việt Nam (PVcombank) vừa "khai sinh" hôm 1/10, được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho 2 tổ chức hợp nhất. Những khoản nợ xấu được "gói ghém" bấy lâu, nay ngân hàng mới sẽ không dễ xử lý triệt để trong một sớm, một chiều.

Sau thời gian chuẩn bị rốt ráo các thủ tục hợp nhất, ngày 1/10 vừa qua, Pvcombank được NHNN cấp Giấy phép hoạt động, đánh dấu thương vụ hợp nhất thứ hai của hệ thống trong 2 năm qua. Ngân hàng TMCP Phương Tây đã chính thức về "chung một nhà" với Tổng Công ty tài chính CP dầu khí Việt Nam (PVFC), sau nhiều đồn đoán, nghi ngại về khả năng thanh khoản.

Xử lý nợ xấu "thần tốc"?

Khoảng thời gian tìm hiểu hơn 1 năm có lẽ chưa đủ dài, nhưng 2 tổ chức cũng nắm được phần nào tình hình "sức khỏe" tài chính của nhau. Vấn đề khó khăn nhất và quyết định thành công của đề án hợp nhất là phải xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của 2 tổ chức chuyển giao sang PVcombank.

Theo Đề án hợp nhất, tại thời điểm ngày 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay của PVFC khoảng 42.767 tỷ đồng (chưa gồm trái phiếu doanh nghiệp).

Trong đó, nợ xấu (nhóm 3 - 5) chiếm tỷ lệ khá cao là 4,5%, tương đương 1.925 tỷ đồng. Còn tại Westernbank, trong tổng dư nợ 5.245 tỷ đồng, thì nợ xấu chiếm tới 6,84%, tương đương 359 tỷ đồng.

Theo phương án hợp nhất, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mới vẫn ở mức cao 4,76%. Với mức nợ xấu vượt trên 3%, cả PVFC và Westernbank (nếu không hợp nhất) cũng như PVcombank mới ra đời sẽ là những khách hàng đầu tiên thuộc diện phải bán nợ xấu cho VAMC.

 Dù vui mừng trong sự kiện ra mắt hội sở PVcombank tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcombank, không giấu nổi vẻ mệt mỏi, căng thẳng.

Ông Lâm cho biết: "Trước khi hợp nhất, chúng tôi đã trình các cơ quan quản lý xem xét, thông qua phương án xử lý nợ xấu trong từng giai đoạn cụ thể. Với Westernbank, trước đó gần như đã xử lý, tái cơ cấu tài chính xong. Nợ xấu còn rất thấp, chỉ chiếm 0,29% dư nợ, thì sau đó mới được NHNN chấp thuận cho hợp nhất. Bản thân PVFC cũng phải xử lý trước các khoản nợ xấu lớn và có lộ trình cụ thể để xử lý các vấn đề nợ xấu khác".

Ngày 15/9/2013, NHNN mới có văn bản chấp thuận cho 2 TCTD này hợp nhất với nhau. Có nghĩa, trong vòng hơn 9 tháng qua, Westernbank đã xử lý giảm nợ xấu từ 6,84% xuống còn 0,29%.

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào và từ nguồn lực nào mà Westernbank có thể xử lý số nợ xấu 359 tỷ đồng (chưa kể dư nợ chuyển nhóm xấu hơn thời gian qua) một cách nhanh chóng, nếu không nói là "thần tốc" như vậy? Vì đây có thể là kinh nghiệm cho PVcombank trong xử lý nợ xấu tồn đọng.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh Doanh, tân Chủ tịch PVcombank cho rằng Westernbank là một ngân hàng quy mô vốn nhỏ, được NHNN và nhiều cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ.

Thứ nhất, cách xử lý của Westernbank là cổ đông cũ bán nợ xấu cho cổ đông mới. Toàn bộ nguồn vốn thu về được dùng để thanh toán, xử lý nợ xấu.

Thứ hai, ngân hàng yêu cầu người vay bổ sung tài sản bảo đảm cho các khoản nợ nhỏ còn lại và có lộ trình thanh toán dứt điểm nợ. Tốc độ xử lý nợ xấu của Westernbank nhanh chóng hơn là nhờ sự giám sát chặt của NHNN và cử một tổ gồm hơn chục cán bộ hỗ trợ hoạt động suốt thời gian tái cơ cấu. Đến nay, nợ xấu đã được xử lý xong.

Hai cách xử lý nợ xấu truyền thống này chính là "điều kiện quan trọng nhất, quyết định thành công của đề án hợp nhất", ông Lâm nhấn mạnh.

Với nợ xấu quy mô nhỏ, việc xử lý có thể sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn nếu không có tranh chấp pháp lý liên quan đến khoản vay. Còn với quy mô nợ xấu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, thì sẽ không dễ xử lý.

Do đó, kế hoạch hợp nhất PVFC và Westernbank đã đưa ra lộ trình tới 4 năm để xử lý nợ xấu, giảm dần tỷ lệ xuống 4,2% cuối năm 2012, còn 3,61% cuối 2013 và chỉ chiếm 3,34% vào cuối năm 2015.

Thay đổi cơ cấu cho vay

Trong cơ cấu cho vay của PVFC và Westernbank, nguồn vốn được rót nhiều cho các DN kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng, xây dựng, sản xuất công nghiệp… Tính đến cuối năm 2012, dư nợ nhóm này tại PVFC đạt khoảng 8.877 tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ khách hàng tổ chức.

 Ở Westernbank, dư nợ là 1.981 tỷ đồng, chiếm 63,3% dư nợ khách hàng tổ chức và tới 37,7% tổng dư nợ. Có thể thấy, việc tập trung vốn cho nhóm ngành này trong giai đoạn trước đã dẫn tới rủi ro nợ xấu lớn cho Westernbank (tỷ lệ 6,84%). Vì trong mấy năm qua, bất động sản, xây dựng lâm vào cảnh khó khăn, tồn kho tăng cao khiến khách hàng khó xoay sở nguồn tiền trả nợ. Điều này thực sự đáng ngại với ngân hàng vốn nhỏ (3.000 tỷ đồng) như Westernbank.

 Ở lĩnh vực dầu khí, dư nợ của PVFC đạt hơn 15.900 tỷ đồng, chủ yếu rót vào các dự án của cổ đông lớn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đây là ưu thế của PVFC và sẽ tiếp tục được PVcombank ưu tiên rót vốn.

 Bên cạnh đó, PVcombank sẽ điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng đẩy mạnh bán lẻ để tận dụng những ưu thế mạng lưới của Westernbank. Trong đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng sẽ tăng từ 10% lên 25% tổng dư nợ vào năm 2015.

 Đáng chú ý, trong cơ cấu tín dụng, khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của PVFC lên tới hơn 4.170 tỷ đồng, Westernbank 1.800 tỷ đồng. Đây cũng là những khoản nợ đáng kể mà PVcombank sẽ phải vất vả thu hồi trong thời gian tới.

Mối lương duyên giữa PVFC và Westernbank mới ở giai đoạn bước đầu, chưa thể khẳng định sẽ đạt hiệu quả như kỳ vọng. Dĩ nhiên, những tồn đọng về tài chính sẽ là thách thức lớn đối với ngân hàng mới, và sẽ cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc… mới "chữa trị" dứt điểm được. Kết quả này còn phụ thuộc vào phía khách hàng - con nợ có khả năng trả nợ đúng hạn hay không?

Theo Thu Hằng

hanhle

Thời báo Kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên