MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ giải quyết được bài toán “tắc tín dụng”?

18-09-2014 - 11:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho rằng, Chính phủ nên có gói hỗ trợ tài chính, tăng tiềm lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh, đồng thời thiết lập điều kiện bảo lãnh cho vay đối với DN dễ dàng hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), kinh nghiệm của một số nước để tháo gỡ tình trạng doanh nghiệp khó vay vốn, khi doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hay đang vướng nợ xấu mà vẫn có khả năng phục hồi khi có thêm nguồn vốn vay thì Chính phủ nhiều nước đã áp dụng mô hình bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp này. 

Tuy nhiên, mô hình bảo lãnh  phải đảm bảo lợi ích của 3 bên đó là:

Người bảo lãnh (quỹ bảo lãnh tín dụng): An toàn tương đối về vốn, thu được phí, phục vụ được nhiều đối tượng cần bảo lãnh, bảo toàn và phát triển được vốn.

Người nhận bảo lãnh (các tổ chức tín dụng): Cho vay an toàn thu hồi được vốn đầy đủ cả gốc lẫn lãi.

Người được bảo lãnh (doanh nghiệp): Nhận được vốn dễ dàng, thủ tục gọn nhẹ và sử dụng vốn tạo giá trị thặng dư.

Bà Thanh chia sẻ, nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình này, họ biến các quỹ bảo lãnh thành cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giúp các ngân hàng kiểm soát được rủi ro trong hoạt động, xúc tiến quá trình xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn nhanh chóng hơn…

Còn ở Việt Nam mặc dù đã hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV từ lâu nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, cần phải có sự đánh giá lại để điều chỉnh các hoạt động của quỹ sao cho có thể phát huy vai trò giúp doanh nghiệp và ngân hàng đến với nhau một cách an toàn.

“Để thực hiện tốt được vấn đề này, nên chăng Chính phủ phải có gói hỗ trợ tài chính, tăng cường tiềm lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh, đồng thời thiết lập những chỉ tiêu và điều kiện bảo lãnh cho vay (ngành nghề ưu tiên bảo lãnh, vốn chủ sở hữu, doanh thu tối thiểu…) đối với các doanh nghiệp dễ dàng hơn, nhưng vẫn đảm bảo khả năng thu hồi vốn” – Bà Thanh kiến nghị.

Bà Thanh gợi ý, phải nâng cao năng lực thẩm định của quỹ bảo lãnh, để xác định đúng doanh nghiệp có tài chính yếu kém hay những doanh nghiệp đang vướng nợ xấu mà vẫn có khả năng phục hồi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, thâm nhập vào hoạt động của doanh nghiệp để kiểm soát sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng hơn để tăng trưởng tín dụng đó là bản thân các doanh nghiệp phải tự cải thiện năng lực của mình, nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh và hấp thụ nguồn vốn cho vay có hiệu quả.

“Còn doanh nghiệp nào quá yếu thì phải tự phá sản và thành lập doanh nghiệp mới trong sạch hơn, khỏe mạnh hơn; Chính phủ có các chính sách hỗ trợ khơi thông thị trường cho doanh nghiệp, tạo môi trường vĩ mô, chính sách ổn định cho sự phát triển của doanh nghiệp” – Bà Thanh kết luận.



Khánh Nhi

tungdn2

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên