MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SJC “chê” vàng miếng một chữ: Phải chăng ẩn chứa một điều gì bất thường?

31-03-2015 - 09:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Tất cả các loại vàng miếng đều do SJC sản xuất và bán ra theo quy định chặt chẽ, thống nhất của pháp luật. Vì vậy, việc SJC phân biệt đối xử, mua loại này với giá cao, loại kia với giá thấp là điều không hợp lý, gậy thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tóm tắt:

Trước ngày 1/4, người có vàng miếng SJC một chữ đến bán Công ty SJC vẫn mua bình thường và không trừ phí. Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang miếng vàng hai chữ thì phải chịu chênh lệch giá

- Theo luật sư Trương Thanh Đức: Việc SJC phân biệt đối xử, mua loại này với giá cao, loại kia với giá thấp là điều không hợp lý, gậy thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng

- Nếu SJC đã có cam kết trước đây về việc bảo đảm chất lượng và giá cả như nhau đối với các loại vàng miếng cùng loại, nhưng có ký hiệu khác nhau, thì đã vi phạm vào khoản 6, Điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng”

-Sự độc quyền thì tất yếu đi đôi với quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm bằng cơ chế thị trường cạnh tranh.


Gần đây, nhiều người sở hữu những miếng vàng SJC có số xêri gồm một chữ đứng trước dãy số đang lo lắng vì bị trừ tiền khi bán.

Theo lý giải của ông Nguyễn Công Tường- Phó phòng kinh doanh bán buôn Công ty SJC - trên báo Tuổi trẻ thì số vàng miếng một chữ là số vàng được sản xuất thời điểm trước đây, về chất lượng không khác biệt gì so với miếng vàng hai chữ. Tuy nhiên không biết vì lý do gì thị trường “chê” miếng vàng SJC loại một chữ.

“Người dân đến công ty bán, công ty vẫn mua nhưng công ty bán ra tiệm vàng không mua, người dân cũng không mua. Tình trạng này kéo dài cả năm qua khiến số vàng miếng loại một chữ bị tồn trong kho rất lớn. “Việc này làm mất cân đối vốn, dẫn đến rủi ro cho công ty vì giá vàng biến động rất mạnh. Việc ra thông báo trừ phí với loại vàng này là chuyện chẳng đặng đừng” - ông Tường nói.

Cũng theo ông Tường, số vàng một chữ bị tồn được công ty gom lại, cộng với số vàng móp méo để xin cấp phép gia công lại, mỗi lần khoảng 2.000 lượng. Thời gian chờ để có đủ số lượng xin cấp phép trung bình khoảng 2 tuần/lần, cộng với thời gian gia công tính ra công ty bị chôn vốn đến ba tuần. Do vậy, mức trừ 40.000 đồng/lượng là để bù đắp chi phí vốn, rủi ro do biến động giá và phí gia công.

Ông Tường cho biết trước ngày 1/4, người có miếng vàng SJC một chữ đến bán Công ty SJC vẫn mua bình thường và không trừ phí. Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang miếng vàng hai chữ thì phải chịu chênh lệch giá.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện tượng này có thể ẩn chứa một điều gì đó bất thường, mà chưa được nói thẳng ra!

“Chẳng hạn như vàng có 1 chữ cái kém hơn loại có 2 chữ cái một chút về chất lượng, trọng lượng hoặc có điều gì đó đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường. Đôi khi chỉ là do suy diễn từ một phát ngôn hay câu chữ ở đâu đó của người có chức trách”.

Ông Đức đặt vấn đề: Nếu không có lý do gì đó thì không có chuyện chênh lệch giá. Vì đây là vàng miếng, không phải là vàng trang sức, mỹ nghệ, nên cùng một thương hiệu được sự bảo đảm của Nhà nước, thì giá mua bán chỉ còn phụ thuộc vào trọng lượng và tuổi vàng.

Với những khách hàng gặp trường hợp thế này có thể tự bảo vệ được mình không, thưa ông?

Tất cả các loại vàng miếng đều do SJC sản xuất và bán ra theo quy định chặt chẽ, thống nhất của pháp luật. Vì vậy, việc SJC phân biệt đối xử, mua loại này với giá cao, loại kia với giá thấp là điều không hợp lý, gậy thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.Việc này có thể ví như ngân hàng bắt khách hàng phải trả thêm phí khi nhận đồng tiền cũ, dù vẫn hoàn toàn đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Nếu SJC đã có cam kết trước đây về việc bảo đảm chất lượng và giá cả như nhau đối với các loại vàng miếng cùng loại, nhưng có ký hiệu khác nhau, thì đã vi phạm vào khoản 6, Điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Khi đó người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự độc quyền của SJC đã khiến khách hàng phải chịu thiệt, ông nghĩ sao?

Đúng là người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về điều này. Giá cao, giá thấp, chênh nhiều, chênh ít, đều là do Nhà nước, mà đại diện duy nhất là SJC quyết định. Sự độc quyền thì tất yếu đi đôi với quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm bằng cơ chế thị trường cạnh tranh. Thậm chí dù độc quyền có làm tốt hơn cạnh tranh thì cũng khó có gì để minh chứng thuyết phục.

Ông có kiến nghị gì đối với vấn đề này?

Đối với những loại hàng hoá khác, dù không phân biệt được sự khác nhau, nhưng giá cả vẫn hoàn toàn có thể khác biệt và được thị trường dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, đối với vàng miếng, thì không dễ được chấp nhận tình trạng này tại chính nơi trực tiếp sản sinh và kinh doanh nó.

Vì vậy, cần phải xem xét lý do thực sự và cần phải xử lý theo hướng thực hiện việc mua bán thống nhất một giá để tránh gây tâm lý xấu và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu có thiệt hại từ việc không phân biệt giá, thì Nhà nước nên là người gánh chịu, vì đây không phải là hoạt động kinh doanh bình thường, mà chủ yếu nhằm để thực hiện chính sách quản lý vàng, quản lý ngoại hối của Nhà nước và góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.

Xin cảm ơn ông!

>>> Chê vàng miếng SJC “một chữ” vì bán bị trừ tiền

Khánh Nhi (thực hiện)

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên