MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc ngân hàng: Lòng tin tạo nền tảng cho ổn định

13-07-2015 - 14:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian qua, NHNN đã thực hiện theo đúng những bước đi, lộ trình đặt ra như xử lý những vấn đề cấp bách, kịp thời hạn chế rủi ro lan tỏa, duy trì ổn định hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo như mục tiêu tổng thể của Đề án.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa để ngành Ngân hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án 254). Liệu đến hết năm, hệ thống TCTD có đáp ứng những yêu cầu khắt khe của Đề án trên và cán đích thành công? Phóng viên TBNH đã có cuộc phỏng vấn TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.

GPBank là NH thứ 3 vừa được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Ông nghĩ sao về quyết định này? Vì sao sự ổn định vẫn duy trì khi có những xáo trộn trong hệ thống như vậy?

Phải nói đây là việc cực chẳng đã, khi NHNN đứng ra mua với giá 0 đồng và tạm thời đứng vai trò sở hữu, vì không ai muốn hiện tượng này xảy ra. Tuy vậy, giải pháp trên có thể coi là lựa chọn tốt để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, duy trì lòng tin của thị trường với cam kết chính sách mạnh mẽ của cơ quan quản lý.

Trước hết, nói đến tác động việc NHNN mua lại NHTM với giá 0 đồng, thị trường đã lường đón thông tin này trước đó. Nhưng điều quan trọng là hệ thống NH đã tạo dựng lòng tin khá vững chắc trong thời gian qua, nên không gây xáo trộn trên thị trường. Thứ hai, đây không phải là NH quá lớn và NHNN đủ sức xử lý, không để những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến thị trường. Và điều này NHNN thực hiện khá tốt, ngay từ khi mua hai NH trước đó (VNCB và OceanBank – PV) với giá 0 đồng khá êm thấm.

Còn đánh giá một cách tổng thể, từ khi thực hiện Đề án 254 đến nay có thể nói hệ thống NH đã tạo được những bước đi rất có ý nghĩa. Thứ nhất, đó là ổn định lại hệ thống, cải thiện thanh khoản. Đây từng là vấn đề rất nghiêm trọng thì bây giờ thanh khoản hệ thống NH luôn duy trì tốt, thậm chí các TCTD còn khá dồi dào vốn. Thứ hai, hoạt động tái cấu trúc NH đã hỗ trợ tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thể hiện rõ qua tích cực xử lý nợ xấu, giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh…

Thế nhưng, chặng đường tái cơ cấu của NH vẫn còn những chông gai. Dù nợ xấu đang được xử lý tích cực làm cho hệ thống NH bớt khó khăn hơn, tín dụng trong một chừng mực nào đó dễ thở hơn. Thế nhưng rõ ràng nợ xấu vẫn chưa xử lý được một cách thực sự căn bản. Vì một phần rất lớn nợ xấu chuyển sang VAMC. Hay nói cách khác nợ xấu mới được dọn dẹp sang bên hè đường và vẫn còn đó.

Đồng thời, tuy hệ thống NH gắn xử lý nợ xấu với tái cấu trúc NH yếu kém đã hạn chế lan truyền rủi ro, đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền… Nhưng câu chuyện này vẫn đang thực hiện dang dở, khi một số thương vụ M&A ngân hàng chưa ngã ngũ.

Mặt khác, trong giai đoạn tiếp theo, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi bước tiến cao hơn. Tức là không chỉ ổn định mà phải lành mạnh hóa hệ thống NH, đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới cần áp dụng các thông lệ, chuẩn mực tốt về kế toán, quản trị rủi ro, áp dụng Basel 2, CAMEL… vào hoạt động của NH. Đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập tài chính sâu rộng đang dần mở cửa tài khoản vốn mạnh hơn, tính chuyển đổi trong dài hạn của đồng tiền VND phải cao hơn… Câu chuyện này không chỉ liên quan đến NHNN mà hệ thống giám sát tài chính nói chung.

Theo nhận định của ông, Đề án 254 có được thực hiện trọn vẹn vào cuối năm 2015?

Theo tôi, trong một môi trường kinh doanh đầy biến động, bất định thì khó có thể đòi hỏi mọi thứ diễn ra trơn tru, suôn sẻ như mục tiêu đặt ra và không ai có thể dự báo đúng được tất cả diễn biến. Nhất là quá trình tái cấu trúc hệ thống NH diễn ra nhanh hay chậm còn tương tác với diễn biến tái cấu trúc của các lĩnh vực khác như DNNN, đầu tư công...

Như vậy, đây là quá trình có bước đi, tính toán thận trọng. Do đó, dù chúng ta có điều chỉnh thời hạn, về mặt kỹ thuật ở điểm này hay điểm kia là bình thường, nếu đó là cần thiết trong quá trình thực hiện đề án. Thời gian qua, NHNN đã thực hiện theo đúng những bước đi, lộ trình đặt ra như xử lý những vấn đề cấp bách, kịp thời hạn chế rủi ro lan tỏa, duy trì ổn định hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo như mục tiêu tổng thể của Đề án.

Tuy nhiên, dù hệ thống NH dần đạt được những mục tiêu như mong muốn tại Đề án 254, nhưng tôi cho rằng, hoạt động tái cơ cấu vẫn cần tiếp tục thực hiện trong những năm tới, ít nhất trong trung hạn. Ví như, đối với áp dụng chuẩn mực Basel II vào hoạt động NH mới chỉ đang thực hiện thí điểm tại 10 NH. Để áp dụng cho toàn bộ hệ thống, thậm chí tiến tới chuẩn mực cao hơn như Basel III, chắc chắn phải mất ít nhất 3-4 năm. Hay là vấn đề xử lý nợ xấu, muốn xử lý một cách tương đối trọn vẹn chắc phải 1-2 năm tới…

Có thể thấy, sự cải tổ này gắn với chuẩn mực cao hơn về giám sát, quản trị để làm lành mạnh hóa NH thực sự và có khả năng chống đỡ trước các cú sốc bên ngoài.

Theo ông, để phát triển bền vững hệ thống NH cần phải làm gì cả ở góc độ cơ quan quản lý cũng như bản thân các TCTD?

Tôi nghĩ rằng, ở đây đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các bên liên quan. Thứ nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa NHNN với rất nhiều ngành, lĩnh vực và tương tác qua lại giữa quá trình tái cấu trúc hệ thống NH với sự vận động của nền kinh tế nói chung.

Thứ hai, bên cạnh sự phối hợp, bản thân NHNN cần có một cách ứng xử vừa phải khéo léo, vừa cẩn trọng, nhưng cũng phải quyết liệt giữa thực thi chính sách tiền tệ với quá trình xử lý vấn đề, cải tổ NHTM. Bởi vì, cải cách góp phần tạo dựng lòng tin thị trường vào tiến trình tái cấu trúc nói chung của Việt Nam. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự thận trọng nhất định, vì liên quan đến dòng tiền rất dễ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lòng tin của VND vào thị trường tài chính. Cho đến nay, hệ thống tài chính chủ yếu dựa NHTM.

Theo đó, NHNN có nhiệm vụ phải điều tiết vấn đề cung tiền, lãi suất, tỷ giá... Nếu ngành Ngân hàng làm tốt sẽ góp phần hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Còn nếu làm không khéo lại tạo tâm lý đầu cơ, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vi mô.

Thứ ba là nỗ lực bản thân các NHTM. Song song với việc xử lý các vấn đề nội tại, các NH cần phải tìm kiếm những giải pháp kinh doanh hợp lý, dịch vụ tài chính mới, hoạt động cho vay vào các lĩnh vực hiệu quả… không những để đảm bảo lợi nhuận mà làm sao phải lớn mạnh dần đáp ứng được những chuẩn mực thông lệ tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên