MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc ngân hàng: Sức hấp dẫn với vốn ngoại

05-03-2012 - 15:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Một nguồn tin cho biết, hiện Oceanbank đang đàm phán với một đối tác châu Âu mua 15-20% cổ phần ngân hàng, cử đại diện tham gia vào ban lãnh đạo của ngân hàng.

Cuối tuần qua Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” trong đó nêu cụ thể nhiều giải pháp. Một cơ chế đáng chú ý là xem xét cho phép TCTD nước ngoài mua lại, sáp nhập TCTD yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu của TCTD nước ngoài tại các NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại. 

Hạn chế của nguồn lực trong nước

Thời gian qua quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại phụ thuộc chính vào nguồn lực trong nước với đầu tàu là các NHTM lớn. Ngân hàng nhà nước nhiều lần khuyến khích các NHTMCP lớn, có chất lượng tốt  chủ động tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. 

Chủ tịch Vietinbank, ông Phạm Huy Hùng cũng cho biết ngân hàng luôn sẵn sàng tham gia vào tái cấu trúc các ngân hàng yếu. Ngoài việc Vietinbank có tiềm lực về tài chính, nguồn vốn dồi dào thì chính kinh nghiệm tái cấu trúc Ngân hàng Công Thương giai đoạn 2001-2006 cũng rất hữu ích. 

Ngoài ra còn có sự tham gia của những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, có tiềm lực kinh tế. Đơn cử như Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji mua 20% cổ phần của Tienphongbank với cam kết bơm thêm vốn để Tienphongbank. Trong cuộc họp mới đây các cổ đông lớn đã đi đến quyết định tăng 1.500 tỷ đồng vốn cho ngân hàng.

Tuy nhiên việc chỉ dựa vào các TCTD trong nước để giúp cơ cấu lại ngành ngân hàng vẫn còn hạn chế. Hạn chế trước tiên chính là tiềm lực tài chính khó có thể dồi dào. Mặc dù các NHTM lớn có năng lực tài chính rất lớn nhưng cũng có giới hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì việc phải trích một phần tài sản để giúp cải tổ ngân hàng yếu kém cũng là gánh nặng không nhỏ. Bên cạnh đó, tái cấu trúc các ngân hàng yếu còn nằm ở thay đổi trong quản lý ngân hàng, quản trị rủi ro trong hoạt động. Đây là thế mạnh của các ngân hàng ngoại và nếu không tận dụng là sự lãng phí rất lớn.

Với đề án tái cấu trúc được Thủ tướng ban hành vừa qua mở ra cơ hội rất lớn cho các ngân hàng yếu kém. Trước kia do lo ngại các TCTD nước ngoài thâu tóm các ngân hàng nên “room” tại các ngân hàng bị hạn chế ở mức 30%, thì nay đã có thể điều chỉnh. 

Ngay sự hạn chế về “room” sở hữu mà các ngân hàng ngoại cũng không mặn mà với việc mua cổ phần ngân hàng thuộc diện yếu kém. Do dù có mua hết room thì các TCTD cũng không có nhiều quyền hành hay tham gia sâu rộng hơn vào quản lý điều hành các ngân hàng này.

Không chỉ ngân hàng yếu

Nếu như các TCTD yếu kém được coi là đích nhắm đến của đề án lần này thì bản thân các TCTD ở tốp đầu cũng coi đây là thời điểm thích hợp cho cải tổ.

BIDV là ngân hàng nhà nước vừa IPO, nằm trong nhóm các ngân hàng lớn nhất trên thị trường đang tích cực tiếp xúc với các nhà đầu tư ngoại để bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Lãnh đạo BIDV cho biết sẽ lựa chọn đối tác mà có cam kết hỗ trợ hiệu quả nhất cho BIDV trong việc nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng. 

Một nguồn tin riêng cho biết, hiện Oceanbank đang đàm phán với một đối tác là tổ chức tài chính lớn của châu Âu mua 15-20% cổ phần và cử đại diện tham gia vào ban lãnh đạo của ngân hàng. 

Nhiều ngân hàng tùy theo quy mô và năng lực đều đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài từ những ngân hàng dẫn đầu thị trường Vietcombank, Vietinbank, ACB… đến những ngân hàng đang vươn lên chiếm lĩnh thị phần như VIB, Southernbank. Có thể thấy sự tham gia của đối tác ngoại trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch Vietinbank cho rằng: Việc có đối tác nước ngoài tham gia vào quản trị ngân hàng có cái lợi rất lớn là tính minh bạch. Khi đó hoạt động của ngân hàng phải tuân theo chuẩn mực quốc tế. Vì thế tái cấu trúc ngân hàng không chỉ về lượng là tăng thêm vốn mà còn là thay đổi về chất.

Các ngân hàng dù là ngân hàng yếu hay ngân hàng hoạt động tốt cũng nên chấp nhận và coi đó là cơ hội để học tập phương thức quản trị ngân hàng hiện đại. Nếu có mất đi một số quyền lợi thì đó cũng là giá “phải chăng” đối với các lãnh đạo ngân hàng Việt Nam. Nếu không với tiến trình hội nhập WTO, các ngân hàng Việt Nam sẽ khó phải cạnh tranh với nhiều ngân hàng ngoại có trình độ quản lý tiên tiến trong tương lai gần.

Cao Sơn 

tungns1

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên