MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu ngân hàng và cuộc chuyển giao quyền lực

29-07-2015 - 09:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Nói về việc từ nhiệm của mình, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch HĐQT DongABank nhấn mạnh lý do đơn giản chỉ vì tuổi cao. Tuy nhiên, ông Kiêm cũng thừa nhận vấn đề của DongABank là thiếu tiền và Kinh Đô là một cổ đông có tiền. Khi Kinh Đô mua cổ phần, thành viên HĐQT sẽ được cơ cấu lại và chủ tịch HĐQT sẽ là người của Kinh Đô.

“Người không có tiền thì quyết định rất khó và không mạnh mẽ được. Đấy chính là lý do vì sao chủ tịch HĐQT phải là người có tiền, người nắm nhiều cổ phần nhất. Mà vấn đề của DongABank là phải có đề án củng cổ lại và cần phải làm mạnh mẽ, bài bản thì mới dần phục hồi được những yếu kém hiện tại”, ông Kiêm bình luận.

Đang làm tốt, sao phải xin rút?

Trường hợp của ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank cũng tương tự. Đây là hệ quả tất yếu của công cuộc tái cơ cấu ngân hàng. Sự trì trệ, yếu kém trong thời gian qua của ngân hàng cho thấy cần có dòng tiền mới và những quyết sách khác của nhóm cổ đông mới.

Cách đây mấy năm Eximbank luôn lọt vào TOP 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn và có lợi nhuận nghìn tỷ. Nhưng vài năm trở lại đây, hoạt động của Eximbank giảm sút, lợi nhuận thấp. Chỉ tính riêng năm 2014, trong khi vốn điều lệ lên tới 12.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng.

DongABank cũng rơi vào tình huống tương tự khi đang là một ngân hàng có hướng đi rất riêng, nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tạo dấu ấn. Nhưng vài năm trở lại đây, hoạt động ngân hàng chìm hẳn, lợi nhuận giảm sút. Cụ thể, năm 2014, lãi trước thuế hợp nhất của DongABank chỉ đạt 35 tỷ đồng, tương đương 7% kế hoạch đề ra cho cả năm (500 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm 92% xuống còn gần 27 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề minh bạch thông tin khi ngân hàng phát sinh những rủi ro. “Khi phát hiện ra những rủi ro, sai phạm trong ngân hàng thì những ông chủ ngân hàng nên minh bạch thông tin và đưa ra giải pháp. Như vậy sẽ không cổ đông nào trách họ. Liệu các ông chủ ngân hàng Việt Nam có thể làm được thế không?”, ông Hiếu bình luận.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

Ông Hiếu cho rằng những ông chủ ngân hàng không những công khai mà còn che dấu kết quả kinh doanh không khả quan, quản lý tài sản của ngân hàng, trong đó là tín dụng đã không thực hiện đúng chuẩn mực.

“Mặc dù nợ xấu thấp, nhưng tỷ lệ nợ xấu không nói lên thực chất hoạt động tín dụng của ngân hàng. Nhiều ngân hàng trên giấy thì thấp, nhưng thực thế thì khác”, ông Hiếu bình luận.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cũng cho rằng việc chủ tịch HĐQT ngân hàng từ nhiệm không đơn giản là vì họ thấy rủi ro. Nếu xem xét cụ thể trong các trường hợp, tự nhiên sẽ thấy đâu là nguyên nhân chính.

“Vấn đề là ở những số liệu như lợi nhuận, nợ xấu. Đổi chủ chỉ là hậu quả. Nếu ngân hàng đó đang hoạt động tốt thì cổ đông nào có thể buộc anh rời bỏ vị trí? Không cổ đông nào dại dột làm chuyện đó”, ông Toại phân tích.

Cổ đông lớn sẽ nắm quyền

Một nguyên nhân nữa cho thấy quá trình tái cơ cấu luôn đi kèm với cuộc chuyển giao quyền lực, đó là nhóm cổ đông mới cần phải làm mạnh mẽ hơn để cải tổ ngân hàng đang yếu đó và chỉ người có tiền mới có thể quyết được.

Ông Hiếu nhấn mạnh, vấn đề chính là thay đổi cơ cấu sở hữu. “Đây là một trong những lý do quan trọng buộc chủ tịch Eximbank, DongABank từ nhiệm. Đây cũng là lý do chính đáng vì cơ cấu chủ sở hữu mới sẽ đi theo hướng khác nên tiêu chí về người ngồi vị trí điều hành cao nhất cũng sẽ khác hơn so với người hiện tại”, ông Hiếu bình luận.

Với DongABank, sau khi chi ra 1.000 tỷ đồng để sở hữu 17% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng, đương nhiên Kinh Đô sẽ phải cử người ngồi vào “ghế” chủ tịch HĐQT. Với dòng tiền thật của Kinh Đô và quyết định mạnh mẽ của chủ tịch, DongABank kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi.

Eximbank cũng vậy, nhóm cổ đông mới đến từ NamABank với đại diện hơn 20% vốn điều lệ và có thêm sự ủng hộ của Vietcombank, đương nhiên, ông Dũng sẽ không thể tiếp tục ngồi ở “ghế” chủ tịch HĐQT nếu tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp theo.

Nói về công cuộc chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cổ đông ngân hàng, một lãnh đạo NHTM cổ phần tại Hà Nội, cho rằng thực tế của những cuộc sáp nhập, mua lại ngân hàng 0 đồng trong thời gian qua cũng chính là sự thay đổi về cơ cấu cổ đông.

Ví như trường hợp VNCB, GPBank, OceanBank bị mua 0 đồng chính là thay đổi cơ cấu cổ đông và chủ tịch HĐQT của những ngân hàng này là Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Tạ Bá Long… buộc phải chuyển giao quyền điều hành sang nhân sự NHNN chỉ định.

Hay như PGBank sáp nhập vào Vietinbank cũng là cuộc chuyển giao quyền lực từ Petrolimex sang Vietinbank. Rồi việc PVN đang chuyển giao phần vốn góp của tập đoàn này tại PVcombank là 4.680 tỷ đồng sang NHNN.

“Hệ lụy tất yếu của sự chuyển giao là do trong quá trình điều hành, những ông chủ ngân hàng này đã bộc lộ những yếu kém trong quá trình điều hành”, vị này nhận định.

Vị này nhấn mạnh trong thời gian tới cũng có thể còn thông tin từ nhiệm của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc ngân hàng nếu quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn tiếp tục.

 

Theo Trần Giang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên