MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ dần bị triệt tiêu

03-01-2016 - 10:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Bùi Quang Tín, việc thay đổi cơ chế tỷ giá trong điều kiện hội nhập ngày sâu rộng hiện nay là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia vào TPP, AEC cũng như các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương khác.

Thời gian gần đây, NHNN đưa ra thông điệp rằng, từ 2016 NHNN sẽ có cơ chế điều hành tỷ giá mới, theo tỷ giá trung tâm. Theo đó, tỷ giá trung tâm được hiểu là tỷ giá chính thức được xác định dựa trên 3 cấu phần: cấu phần thứ nhất, tỷ giá trung tâm được tính toán tương quan với rổ 8 đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam; cấu phần thứ hai được xác định là cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, có thể được phản ánh qua tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày liền trước và cấu phần thứ ba là các cân đối vĩ mô.

Hiện nay mỗi ngày NHNN vẫn công bố tỷ giá chính thức, tuy tỷ giá này rất ít khi điều chỉnh. Ví dụ như sáng ngày 31/12/2015, NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng cho ngày 31/12/2015 là 1 USD = 21.890 VND. NHNN cũng công bố tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN áp dụng cho ngày 31/12/2015 với 5 đồng tiền USD, EUR, JPY, GBP và CHF. Cơ quan này đồng thời thông báo tỷ giá tính chéo giữa VND với một số ngoại tệ áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực từng thời điểm, ví dụ như giá đang công bố hiện nay áp dụng từ ngày 20/12 đến 31/12/2015.

Tuy nhiên, tỷ giá công bố chính thức của NHNN như hiện nay thường có khoảng cách với giá giao dịch tiền đồng và ngoại tệ trên thị trường, đặc biệt có khoảng cách rất xa với thị trường tự do.

Với cơ chế tỷ giá mới trong thời gian tới, ngoài việc điều tiết tỷ giá danh nghĩa (tỷ giá song phương) giữa đồng bản tệ và USD thì cần quan tâm nhiều hơn đến tỷ giá thực và tỷ giá đa phương (multilateral real exchange rate) nhằm nâng cao tính chủ động và khả năng kiểm soát tiền cơ sở (MB), cung tiền (MS) của NHNN, từ đó cải thiện hiệu quả truyền dẫn của kênh tỷ giá đến tổng cầu hay tổng sản lượng và công ăn việc làm. Việc thiết lập rổ ngoại tệ và tỷ trọng ngoại tệ trong rổ phải căn cứ vào quy mô thương mại với quốc gia đó, chứ không căn cứ theo loại ngoại tệ thanh toán.

Cơ chế tỷ giá qua các thời kỳ tại Việt Nam

Thực ra, việc xác định tỷ giá giao dịch trên thị trường dựa vào tỷ giá chính thức do NHNN công bố hàng ngày và biên độ đã có từ lâu tại Việt Nam, tuy mỗi thời kỳ có 1 tên gọi khác nhau và cách xác định cũng có 1 phần khác nhau cũng như tỷ giá chính thức này ít khi được thay đổi. Nhìn ngược lại quá khứ kể từ năm 1989 cho đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều cơ chế điều hành tỷ giá khác nhau.

Giai đoạn từ 1989-1992: NHNN đã duy trì tỷ giá hối đoái danh nghĩa gần như là cố định. Chính sách này đã làm cho VNĐ ngày càng bị đánh giá cao hơn thực tế và là một trong những nguyên nhân khuyến khích việc đi vay ngoại tệ để đầu tư tràn lan vào những dự án không hiệu quả do giá của ngoại tệ được đánh giá rẻ. Điều này đã tạo ra và tích luỹ những nhân tố gây mất ổn định và phát triển không bền vững của nền kinh tế lúc bấy giờ.

Giai đoạn từ 1992-1997: NHNN sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái tự chủ theo cơ chế thị trường, công bố tỷ giá chính thức và biên độ dao động nhưng vẫn mang tính cố định.

Giai đoạn từ 1997 1999: NHNN công bố tỷ giá chính thức và biên độ nhưng liên tục được điều chỉnh để phản ánh và điều tiết tỷ giá thị trường.

Giai đoạn từ 1999 – 2002: NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VNĐ với USD hàng ngày thay cho việc công bố tỷ giá chính thức. Trong khoảng thời gian này, tỷ giá danh nghĩa thực sự đã được điều chỉnh khá sát theo chênh lệch lạm phát trong nước và thế giới. Đây là bước tiến rất tốt trong điều hành tỷ giá.

Giai đoạn từ từ 2002-2015: Các NHTM căn cứ tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VNĐ do NHNN công bố để ấn định tỷ giá mua bán USD/VND trong biên độ cho phép. Tỷ giá do NHNN công bố có thay đổi thường xuyên hơn giai đoạn trước.

Ưu điểm và hạn chế của cơ chế tỷ giá hiện hành

Về ưu điểm, NHNN đã thể hiện vai trò khá chủ động và tự tin trong điều hành chính sách tỷ giá, chẳng hạn chủ động phá giá mạnh tiền đồng giúp giảm tâm lý “chờ đợi phá giá thêm” của giới đầu cơ; Thay đổi cách thức công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng qua việc nếu trong các năm trước NHNN thường giữ cố định tỷ giá trong một thời gian dài, rồi đột ngột điều chỉnh tỷ giá, thì trong thời gian gần đây NHNN điều chỉnh tỷ giá thường xuyên hơn, linh hoạt hơn (có tăng, giảm tùy theo cung cầu trên thị trường); Thay đổi từ chế độ tỷ giá neo với USD trong giai đoạn trước đây sang chế độ tỷ giá linh hoạt hơn dựa trên rổ tiền tệ.

Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá cũng có những hạn chế như: Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn chưa được thay đổi thường xuyên để phản ánh các biến động trên thị trường trong và ngoài nước diễn ra hàng ngày; Việc xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn chưa phản ánh đầy đủ các mối quan hệ giữa VNĐ với đồng tiền của các nước có mối quan hệ thương mại lớn với Việt Nam trong rổ tiền tệ; Việc xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn chưa phản ánh chi tiết được sự tác động của các sự thay đổi trên thế giới vào các cân đối vĩ mô trong nước như GDP, lạm phát, cung tiền …; Cơ chế tỷ giá hiện nay vẫn còn tạo cho cá nhân, tổ chức nhiều cơ hội mang tâm lý găm giữ ngoại tệ, từ đó tạo ra sự khan hiếm nguồn cung USD giả tạo trên thị trường.

NHNN quyết liệt trong chống đô la hoá và cân đối cung cầu ngoại tệ

Gần đây tính hấp dẫn của ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD giảm xuống. Tín dụng bằng ngoại tệ giảm mạnh, kéo theo hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ cũng giảm đáng kể, đồng thời góp phần quan trọng giúp cho vị thế của tiền đồng, niềm tin vào tiền đồng được nâng lên.

Đến thời điểm này có thể thấy, thành công lớn nhất của các biện pháp chống đô la hóa thể hiện khá rõ khi mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm hơn một nửa so với thời điểm 15 năm trước. Thống kê của NHNN cho thấy, giai đoạn 2000-2003, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức rất cao chiếm khoảng 28-30% và lúc cao nhất là gần 32% trong tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên đến giai đoạn 2007-2011, con số này giảm dần về mức 20% và đến cuối năm 2015 thì chỉ xoay quanh mức 12%.

Với mức tiền gửi ngoại tệ thấp khoảng 12% như hiện nay, có thể nói mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN đang thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong năm 2015 yếu tố tâm lý và găm giữ USD vẫn còn, từ đó tạo ra sự khan hiếm giả tạo USD trên thị trường. Việc thay đổi cơ chế tỷ giá mới, linh hoạt, thị trường hơn cũng như có cách xác định tỷ giá trung tâm mới sẽ không tạo ra sự an tâm cho các đối tượng găm giữ USD trước đây nữa, vì nếu họ có tâm lý chờ giá lên thì họ sẽ gặp rủi ro thua lỗ rất lớn khi mà NHNN điều hành tỷ giá lúc lên lúc xuống theo diễn biến của thị trường.

Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, chênh lệch giữa tổng cung và cầu USD năm 2015 là dương 3 tỷ USD. Do đó, thanh khoản USD năm 2015 trên thị trường vẫn bình ổn. Cho nên, khi mà tâm lý găm giữ và đầu cơ USD bị triệt tiêu thì cung cầu USD trên thị trường sẽ trở nên cân đối và tỷ giá sẽ trở nên ổn định hơn.

Tóm lại, với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường sẽ dần dần bị triệt tiêu, cung cầu ngoại tệ được cân đối và từ đó NHNN sẽ có nhiều điều kiện để giảm dần tình trạng đô la hoá hiện nay và tiến đến năm 2020 sẽ không còn tình trạng đô la hoá nữa. Lúc đó, quan hệ về ngoại tệ trong nền kinh tế sẽ được thực hiện bằng các giao dịch mua và bán, chứ không thực hiện bằng quan hệ vay mượn như hiện nay.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên