MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận thu phí ATM, ngân hàng vẫn không có lãi?

24-07-2015 - 15:10 PM | Tài chính - ngân hàng

“Chủ thẻ ATM cũng phải quen dần việc trả phí dịch vụ bởi ngân hàng đầu tư rất nhiều thứ liên quan tới ATM. Sau khi phân bổ chi phí, ngân hàng gần như không có lãi khi cung cấp dịch vụ ATM”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Theo thống kê, một chiếc thẻ ATM đang phải cõng hàng chục loại phí, gồm phí phát hành, phí thường niên, phí phát hành thay thế, phí chuyển khoản, phí cấp lại pin, phí tra soát, phí rút tiền, SMS banking,…Cộng lại số phí này lên tới cả trăm nghìn đồng mỗi năm.

Giả sử chủ thẻ của Vietinbank, từ lúc mở thẻ đã bị thu từ 50-100 nghìn đồng, cộng với phí thường niên từ 12-60 nghìn đồng, phí cấp lại pin 11 nghìn đồng, phí tra soát từ 55-110 nghìn đồng, nếu phát hành thay thế sẽ bị thu từ 0-100 nghìn đồng.

Nhận lương hàng tháng qua thẻ BIDV, anh Nguyễn Hoàng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh đăng ký dịch vụ SMS hàng tháng. Ngoài việc bị trừ 8.800 đồng mỗi tháng phí tin nhắn thì hệ thống còn trừ của anh nhiều phí khác như phí thường niên 66.000 đồng, phí rút tiền mặt 1.100 đồng/lần, phí chuyển tiền cùng hệ thống là 0,05% số tiền giao dịch tối thiểu là 2.000 đồng và tối đa là 15.000 đồng,…

Theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN thì ngân hàng thương mại được phép thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng, từ 0-1.000 đồng/giao dịch năm 2013 và tăng lên từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 ; từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi. Phí chuyển khoản được thu tối đa 15.000 đồng/giao dịch, phí thường niên được thu tới 60.000 đồng/thẻ/năm, phí phát hành thẻ thu tối đa 100.000 đồng/thẻ... (giá trên chưa bao gồm VAT).

Như vậy, với mức khung này thì hiện nay vẫn chưa có ngân hàng nào thu vượt quy định.

Ngân hàng gần như không có lãi từ ATM

Nhiều người lo ngại, thói quen sử dụng tài khoản thay cho tiền mặt mà Nhà nước đã nỗ lực xây dựng suốt thời gian qua sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do việc tăng mức thu và loại phí trên thẻ ATM.

Trả lời phỏng vấn của PV, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, Hàm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV nhận định, câu chuyện ngân hàng thu phí và khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt có liên quan đến nhau nhưng cần phân biệt rạch ròi.

Thứ nhất, về thu phí ATM, hiện nay có ngân hàng thu phí, có ngân hàng không; trong đó, mỗi ngân hàng lại có chính sách thu khác nhau. Thực tế, nhiều ngân hàng thu phí tối đa theo khung quy đinh của NHNN, có ngân hàng lại thu thấp hơn nhằm thu hút khách hàng.

Ông nhấn mạnh các ngân hàng muốn tính toán thế nào thì tùy nhưng vẫn phải trong khung quy định của NHNN, được phép thu loại phí nào và không được phép thu loại phí nào.

Tuy nhiên, về phía người sử dụng, ông Lực cho rằng người dân cũng phải quen dần việc trả phí dịch vụ bởi ngân hàng đầu tư rất nhiều thứ liên quan tới ATM. Một máy ATM có thể đầu tư lên tới 500 triệu đồng, ngoài ra còn máy in thẻ, nhân sự đi tiếp quỹ vào ATM nhiều lần trong ngày.

Theo ông, sau khi phân bổ chi phí, ngân hàng gần như không có lãi khi cung cấp dịch vụ ATM. Thứ mà họ mong muốn là tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng vào những thời điểm nhất định.

Thứ hai, các ngân hàng cần xem xét miễn phí cho một số đối tượng như công nhân, sinh viên một số dịch vụ như phí phát hành thẻ.

Việc khách hàng phàn nàn có ngân hàng đã dùng “chiêu” giảm hạn mức rút tiền từ 5 triệu đồng xuống còn 2 triệu đồng/lần để tận thu phí, vì bản chất vẫn cùng số tiền nhưng số phí khách hàng phải trả cao hơn so với trước đây. Vi chuyên gia này cho rằng các ngân hàng cân nhắc nếu đã giảm hạn mức rút tiền thì nên miễn phí một số lần rút trong ngày, ví dụ có thể miễn phí tối đa 3 lần rút tiền, tới lần thứ tư sẽ tính phí.

Đồng thời để tránh việc quá tải tại ATM, ngân hàng nên quy định mỗi cá nhân rút tối đa một ngày bao nhiêu tiền. “Chẳng hạn bên nước ngoài, ngân hàng cho rút tối đa 2.000 USD/ngày/người tại ATM. Nếu khách hàng muốn rút nhiều thì nên đến phòng giao dịch như vậy sẽ thuận tiện hơn và đỡ mất thời gian”, ông Lực lưu ý.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên