MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng dự trữ bắt buộc: Không nên trì hoãn

28-03-2011 - 16:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều chuyên gia khuyến nghị NHNN nên xóa bỏ những quy định bất hợp lý của Thông tư 13 và Thông tư 19, để cho công cụ DTBB có thể thực hiện đúng chức năng của nó.

Dự trữ bắt buộc (DTBB) là công cụ chính sách tiền tệ có tác dụng mạnh và tức thì thường được các ngân hàng trung ương sử dụng để giảm cung tiền và kiềm chế lạm phát. Đơn cử, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa tăng tỷ lệ DTBB đối với các NHTM lớn lên tới 20% để kiềm chế lạm phát.

Tại Việt Nam, mặc dù kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong năm nay, nhưng đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn để mức DTBB khá thấp và chưa có ý định sử dụng công cụ này.

Lý giải cho việc "chưa sử dụng chứ không phải không sử dụng công cụ này", Thống đốc NHNN cho rằng, nếu sử dụng công cụ này ngay lập tức cùng với việc tăng các mức lãi suất chủ chốt nhằm thắt chặt tiền tệ thì sẽ đặt các NHTM đứng trước khó khăn lớn về thanh khoản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng không đồng tình với cách lý giải này. Một chuyên gia phân tích, Thông tư 19/2010/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN đang được áp dụng để làm tăng tính an toàn cho hệ thồng ngân hàng.

Những thông tư này quy định việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ 80% đối với các NHTM. Điều đó có nghĩa, huy động được 100 đồng thì các NHTM chỉ được cho vay tối đa 80 đồng, 20 đồng còn lại phải để dự phòng thanh khoản dưới dạng tiền mặt, giấy tờ có giá hay các tài sản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt.

Đó là chưa kể, các NHTM chỉ được tính 25% lượng tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế (trừ TCTD) vào nguồn vốn huy động để cho vay.

Rõ ràng, với quy định như vậy và nếu các NHTM thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư 19 thì việc tăng DTBB sẽ không gây khó khăn về thanh khoản cho các NHTM. Đơn giản là các NHTM chỉ cần chuyển phần dự trữ tại ngân hàng mình về quỹ dự trữ của NHNN.

Có chăng, chỉ đẩy chi phí vốn của các ngân hàng lên cao, do lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chỉ là 1,2%/năm trong khi nếu các NHTM dùng phần 20% để lại này đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì lãi suất cũng tới 11%/năm.

Còn nếu một số ngân hàng nhỏ có gặp khó khăn về thanh khoản thì NHNN còn có các công cụ khác như thị trường mở (OMO) hay tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng này.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cao cấp một NHTM nói: "Nếu hỏi 100 ngân hàng, sẽ có 101 ngân hàng nói không muốn tăng DTBB".

Lý do là gì? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù không thể dùng 20% nguồn vốn huy động để cấp tín dụng, nhưng trên thực tế, các ngân hàng vẫn có thể sử dụng cho những hoạt động phi tín dụng như mua trái phiếu của Chính phủ, doanh nghiệp, cho vay trên thị trường liên ngân hàng…

Do vậy, nếu tăng DTBB thì một lượng tiền lớn sẽ đổ vào NHNN, các ngân hàng mất lượng vốn khả dụng, tăng chi phí vốn nên không mặn mà với việc tăng DTBB là chuyện đương nhiên. Vì vậy, nếu tăng DTBB lên 10%, NHNN nên điều chỉnh việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động lên 90%.

"NHNN nên thả lỏng vốn khả dụng cho tín dụng để đền bù vào nguồn vốn khả dụng hụt đi vì DTBB tăng", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nhiều chuyên gia ngân hàng khuyến nghị mạnh hơn là NHNN nên xóa bỏ những quy định bất hợp lý của Thông tư 13 và Thông tư 19, để cho công cụ DTBB có thể thực hiện đúng chức năng của nó.

Thực ra, về vấn đề này, thời gian qua, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng đã nhiều lần kiến nghị NHNN nên xóa bỏ quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn cho vay, quay trở về điều hành bằng công cụ DTBB.

"Việc làm này chẳng những sẽ giảm nhiều chi phí vốn cho các NHTM, tạo tiền đề để giảm mặt bằng lãi suất mà thay vì những hồ chứa nhỏ nằm rải rác tại các NHTM, NHNN có thể quy tụ về thành một hồ chứa lớn tại NHNN để đảm bảo thanh khoản cho cả hệ thống", một quan chức của Ủy ban này cho biết.

3 tháng vừa qua, chỉ số lạm phát vẫn đang tăng cao, vì vậy, NHNN không nên trì hoãn việc sử dụng công cụ DTBB khi tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 vượt trên 5%, tháng 6 trên 9-10%, tháng 9 trên 15% so với cuối năm ngoái như người đứng đầu NHNN nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 của ngành Ngân hàng vừa qua.

"Đối với tiền gửi dưới 12 tháng, DTBB nên tăng từ 3% lên khoảng 7% đến 10%, còn trên 12 tháng, nên tăng từ 2% lên khoảng 5% đến 7%", TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý.

Theo Hồng Dung
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên