Tăng tín dụng cho vay: Thống đốc ngân hàng nói gì?
Tại chỉ thị 01 mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã “quyết” chỉ tiêu tăng tín dụng 13 - 15% và lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm từ 11,5%. Tuy nhiên, trước đó cũng có dự báo tín dụng nếu cần có thể điều chỉnh tăng tới 17%. Dự kiến này được giới chuyên gia và các ngân hàng nhìn nhận ra sao?
- 27-01-2015Tỷ trọng DN gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng có xu hướng tăng
- 26-01-2015Bí ẩn đằng sau việc tín dụng “ông lớn” ngân hàng tăng sốc
- 24-01-2015Thống đốc NHNN: Các NHTM không thể sống mãi bằng tín dụng
Tín dụng tăng bao nhiêu là vừa?
Năm 2015 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH đặt ra là 13 – 15% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%. Nhưng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của một NHTM tại Hà Nội, Thống đốc NHNN cho biết rất có thể mục tiêu trên sẽ được điều chỉnh sau 6 tháng đầu năm nếu tình hình kinh tế vĩ mô còn gặp khó khăn bởi sự sụt giảm của giá dầu.
Cụ thể hơn, theo Thống đốc Bình, nếu trong 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt giá dầu thô giảm tác động sản lượng khai thác dầu mỏ, thu ngân sách…gây ảnh hưởng đến GDP thì các hoạt động sản xuất kinh doanh khác phải đẩy mạnh hơn để bù đắp thiếu hụt trên. Như vậy, vốn ngân hàng cũng phải tăng thêm cho các hoạt động này. Trong trường hợp cụ thể NHNN có thể điều chỉnh chỉ tiêu này lên 17% để vừa đảm bảo vĩ mô, vừa an toàn cho hệ thống.
Dù đó chỉ là dự báo nhưng con số 17% này cũng được dư luận rất quan tâm. Bởi trong mấy năm trở lại đây, hệ thống NH rất thận trọng đối với tăng trưởng tín dụng sau một thời gian tăng quá nóng, không kiểm soát được chất lượng dẫn đến nợ xấu. Năm 2014, hầu như các NH lớn nhỏ đều đạt hoặc vượt xa chỉ tiêu đề ra. Ví như Vietcombank tín dụng tăng 17,68%; Vietinbank tăng 18,2%; khối NH nhỏ SeABank, TPBank tín dụng tăng tới hơn 50%...
Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch tăng trưởng tín dụng, cũng như những năm trước, các NH có vẻ thận trọng khi cho biết con số cụ thể tăng trưởng tín dụng năm 2015. Lãnh đạo MaritimeBank, HDBank… đều cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các NH này theo chỉ tiêu NHNN đưa ra là 13 – 15%. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, tín dụng của TPBank năm 2014 tăng hơn 50% nhưng năm nay chỉ số này sẽ chỉ bằng một nửa với chính sách tín dụng chặt chẽ, chấp nhận giảm lãi suất cho vay nhưng không dễ dãi về điều kiện tín dụng.
Phải giảm lãi suất nữa
Nhận định của TS Trần Du Lịch, với diễn biến khả quan từ năm 2014, năm 2015, khả năng hệ thống NH vẫn đạt được tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra. Song, theo ông, lãi suất cho vay trung dài hạn phải giảm hơn nữa, thì số DN vay vốn mới tăng được nhiều hơn và vốn chảy vào sản xuất kinh doanh thực chất hơn. Từ đó, tín dụng tăng trưởng mới bền vững hơn.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ tại một NH lớn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa một lần nữa kêu gọi các nhà băng hãy hy sinh lợi nhuận, cân đối lại tài sản... để giảm tiếp lãi vay trung - dài hạn xuống thêm từ 1-1,5%/năm nữa trong năm 2015. Và mục tiêu này đã đưa vào Chỉ thị số 01 của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ hoạt động NH trong năm 2015 vừa được Thống đốc ban hành.
Lời “hiệu triệu” này trên thực tế là “câu đố” khó với hệ thống NH. Theo phân tích TS. Võ Trí Thành dư địa chính sách vĩ mô của năm 2015 không còn quá nhiều, nhất là bối cảnh ngân sách eo hẹp buộc Chính phủ phải phát hành một số lượng lớn trái phiếu Chính phủ để có tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản, rồi xoay vòng trả nợ…
Điều này đồng nghĩa, lãi suất sẽ phải cao mới đủ sức hút đối với các thành viên thị trường như NH, định chế tài chính trước mỗi lệnh quyết định đầu tư của mình. Vì lẽ đó, theo nhận định của TS Thành, dư địa chính sách vĩ mô co kéo giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để các ngân hàng giảm lãi vay trung - dài hạn xuống quả là rất khó khăn.
Quan điểm của một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, vấn đề quan trọng bây giờ là các NH không nên chạy theo con số tăng trưởng mà đảm bảo cho vay ra một cách thực chất. Trước kia các NH chỉ quan tâm tài sản đảm bảo là BĐS làm tài sản thế chấp chứ trong quá trình cho khách vay vốn, cán bộ NH không sâu sát với DN xem họ có thực sự kinh doanh đúng mục đích vay vốn hay không, kinh doanh lỗ lãi ra làm sao làm ăn khó khăn ở đâu…
Chính vì vậy, rất nhiều khoản vay không hiệu quả, phát sinh nợ xấu. Giờ để cải thiện tình hình này, theo vị chuyên gia trên cho rằng, cán bộ tín dụng phải sát sao, gần gũi với DN hơn để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Để làm được điều này đòi hỏi các cán bộ tín dụng phải có nghiệp vụ tốt, không tạo kẽ hở để DN “qua mặt”.
Theo Tổng giám đốc một NH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu kéo dài trong thời gian qua khiến các NH gặp nhiều áp lực, lợi nhuận giảm. Nhất là năm 2015 các chỉ tiêu thu hồi, xử lý nợ được lãnh đạo ngân hàng này đặt ra cao hơn năm ngoái để dốc sức xử lý nợ xấu về mức 3% theo mục tiêu của cả hệ thống. Và đó sẽ áp lực không hề nhỏ đối với các NH trong năm nay. Vì vậy, NH thận trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
>>> Tín dụng năm nay sẽ tăng từ 13 - 15%
Theo Hà Linh