MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 5/2011: Có khả năng tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ 1-2%

07-04-2011 - 20:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TBKTSG, nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN cho biết khả năng tháng 5/2011 sẽ có quy định mới về việc giảm trạng thái ngoại hối của NH từ 30% xuống 20% và tăng DTBB ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thực hiện hoán đổi (swap) tiền đồng và ngoại tệ cho các ngân hàng, đồng thời có giải pháp giảm lãi suất huy động ngoại tệ - ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, kiến nghị trong cuộc họp giữa đại diện Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Công Thương với các doanh nghiệp TPHCM ngày 4-4-2011.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trả lời ngay lập tức rằng năm ngoái NHNN đã tiến hành hoán đổi 1,6 tỉ đô la Mỹ với các tổ chức tín dụng. Năm nay cơ quan quản lý ngành ngân hàng vẫn đang theo dõi diễn biến cung cầu ngoại tệ, nếu cần sẽ thực hiện. Riêng giảm lãi suất tiết kiệm ngoại tệ, thống đốc băn khoăn nó có thể ảnh hưởng đến việc thu hút kiều hối, nhất là con số kiều hối năm 2010 lên tới 8,6 tỉ đô la Mỹ.

Kiều hối thực và “giả”

Vì sao các ngân hàng đề nghị hoán đổi đô la - tiền đồng? Vì hiện nay nhu cầu, thanh khoản tiền đồng căng thẳng, trong khi nguồn cung ngoại tệ tỏ ra cân bằng với cầu, thậm chí có ngày vượt cầu và tỷ giá bắt đầu ổn định. Hơn nữa từ ngày 9-5-2011 muốn cho vay ngoại tệ, các ngân hàng phải đảm bảo có ngoại tệ bán cho người vay khi đáo hạn để trả nợ.

Thống đốc công bố tín dụng quí 1-2011 tăng 4,81% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ông đã không cho biết cơ cấu tăng trưởng như thế nào.


Các ngân hàng hiện tại có thể thừa ngoại tệ, cả nguồn thương mại lẫn huy động, nhưng họ cần trong một vài tháng tới. Do đó hoán đổi là phương thức thích hợp để tháo gỡ vấn đề. Tuy nhiên NHNN vẫn cần tính toán bởi cơ quan quản lý không muốn đưa tiền đồng ra.

Việc thu hút kiều hối không đơn giản chỉ là con số 8,6 tỉ đô la Mỹ như Thống đốc nói. Chúng ta chưa thể phân biệt rạch ròi trong cơ cấu kiều hối có bao nhiều phần trăm thật sự gửi cho người thân trong nước, bao nhiêu là tiền vay từ nước ngoài gửi vào ngân hàng nội địa để kiếm lời do lãi suất cao.

Lãi suất tiền gửi đô la Mỹ ở nước ngoài hiện nay rất thấp, chỉ chừng 1-1,5%/năm, trong khi ở Việt Nam khoảng 5%/năm, chênh nhau tới 3,5-4%/năm. Ngoại tệ đã được gửi về qua đường kiều hối để hưởng sự chênh lệch lãi suất quá lớn và quá an toàn này. Đó là lý do giải thích tại sao kiều hối thường tăng mạnh mỗi khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao và giảm ngay khi chiều hướng ngược lại xảy ra.

Giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ sẽ sàng lọc được kiều hối thực và “giả”. Ngoài ra NHNN đã tính toán năm nay cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư 2 tỉ đô la Mỹ nếu chúng ta kiểm soát được nhập siêu dưới 16%. Vậy có nên chấp nhận lãi suất huy động ngoại tệ cao chỉ vì kiều hối không thực chất?

Cái giá của sự lưỡng lự

Cũng trong cuộc họp trên Thống đốc công bố tín dụng quí 1-2011 tăng 4,81% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ông đã không cho biết cơ cấu tăng trưởng như thế nào. Nhìn từ TPHCM, theo số liệu của chi nhánh NHNN, hai tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tiền đồng chỉ 1,9%, trong khi ngoại tệ tới 10,7%. Về vốn huy động của thành phố, hai tháng đầu năm giảm 0,48% trong đó tiền đồng giảm tới 4% so với cuối năm 2010 và ngoại tệ tăng kỷ lục lên 13,3%.

Nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN xác nhận có khả năng từ tháng 5-2011 sẽ có những quy định mới về trạng thái ngoại hối, theo đó giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ 30% xuống 20% (ngân hàng có 10 đồng vốn tự có, chỉ được giữ 2 đồng bằng ngoại tệ thay vì 3 đồng như hiện tại - NV), đồng thời dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ tăng thêm khoảng 1-2% trên tổng vốn huy động ngoại tệ.

Rõ ràng huy động và cho vay ngoại tệ đang vượt trội tiền đồng trong hoạt động tín dụng. Điều này không chỉ gây áp lực lên tỷ giá, mà còn dựng những chướng ngại vật trên đường chuyển từ cơ chế vay mượn ngoại tệ sang mua bán, tiến tới xóa bỏ tín dụng ngoại tệ về lâu dài.

Tiếp theo Thông tư 07 về cho vay ngoại tệ, nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN xác nhận có khả năng từ tháng 5-2011 sẽ có những quy định mới về trạng thái ngoại hối, theo đó giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ 30% xuống 20% (ngân hàng có 10 đồng vốn tự có, chỉ được giữ 2 đồng bằng ngoại tệ thay vì 3 đồng như hiện tại - NV), đồng thời dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ tăng thêm khoảng 1-2% trên tổng vốn huy động ngoại tệ. Như vậy, giá thành huy động vốn ngoại tệ của tổ chức tín dụng sẽ tăng và cửa cho vay ngoại tệ sẽ hẹp lại. Dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện: một số ngân hàng như Sacombank giảm mạnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ từ dân cư.

Những giải pháp trên đụng chạm đến đầu ra của tín dụng ngoại tệ, nhưng chưa giải quyết khúc mắc đầu vào. Phần lớn vốn huy động ngoại tệ của ngân hàng là từ dân cư, làm sao để dòng vốn này chuyển hóa thành dòng vốn tiền đồng? Phải tạo ra chênh lệch lớn hơn nữa giữa lãi suất tiền gửi đô la và tiền đồng.

Tăng lãi suất huy động tiền đồng là không khả thi vì lãi suất tiết kiệm tiền đồng đang quá cao. Cách còn lại là giảm lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Nếu lãi suất tiền gửi đô la Mỹ trước mắt chỉ còn 3%, sau đó xuống 2%, thậm chí 1,5%/năm như quốc tế, sự chuyển dịch tiết kiệm ngoại tệ sang tiết kiệm tiền đồng sẽ được khởi động. Quá trình chuyển dịch đó cần sự hỗ trợ song song của sự ổn định tỷ giá, điều mà NHNN đang làm được và đang có những thành công nhất định bước đầu.

Nhìn xa hơn, việc nâng đỡ tiền đồng có thể được xúc tiến bởi quy định hạn chế tỷ lệ cho vay ngoại tệ trong tổng dư nợ chung của cả hệ thống và từng ngân hàng. Một quy định như vậy sẽ giúp tiền đồng có giá trong con mắt cả người vay và người gửi tiền. Nếu chúng ta đã xác định ở Việt Nam “tiền đồng là vua”, thì việc xúc tiến thực hiện các giải pháp phải triệt để. Vì thế, sự quyết tâm trong quyết sách lúc này từ NHNN là vô cùng quan trọng!

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên