MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản vẫn ổn định

18-10-2015 - 19:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Thông thường vào những tháng cuối năm, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư cũng như của người dân. Liên quan vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Ông đánh giá thế nào về tình hình thanh khoản năm nay?

Hiện nay, về cơ bản thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) vẫn được bảo đảm. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên vốn huy động khoảng 82%, thấp hơn so với thời kỳ năm 2011 khoảng 103% và năm 2012 là 100%. Như vậy có thể thấy, so với trước đây, tình hình thanh khoản hiện nay đã tốt lên. Bên cạnh đó, tình hình thanh khoản còn thể hiện qua việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho các ngân hàng thương mại (NHTM) sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì hiện nay các NHTM gần như không dùng hết tỷ lệ này.

Ông có bình luận gì khi một số DN cho rằng, lãi suất của NH trong nước vẫn còn quá cao, khiến cạnh tranh khó khăn?

Tôi đã từng chia sẻ rất rõ rằng, chúng ta phải xác định lãi suất ở đây là lãi suất USD hay VNĐ. Nếu là lãi suất USD thì hiện nay mặt bằng của Việt Nam và quốc tế đều rất thấp. NHNN vừa rồi đã điều chỉnh lãi suất huy động USD là 0% với tổ chức và 0,25%/năm với cá nhân, qua đó hy vọng rằng lãi suất đầu ra với USD cũng sẽ giảm một chút. Tuy nhiên, cũng phải quan tâm khi so sánh, tính lãi suất đó là rủi ro của nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp (DN). Giả sử, bây giờ một DN muốn phát hành trái phiếu ra nước ngoài thì họ yêu cầu phải trả lãi suất trung và dài hạn với USD ở mức khoảng 5 - 6%/năm. Tôi nhớ, vào thời điểm năm 2013, một NH lớn khi đó phát hành trái phiếu quốc tế phải trả lãi suất đối với nước ngoài khoảng 7%/năm bởi kinh tế vĩ mô của chúng ta chưa thật sự vững chắc hơn so với các nước khác. Về nguyên tắc thì với con mắt nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro càng cao thì phải trả lãi suất càng cao.

Vậy còn về chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào của hệ thống NH hiện nay như thế nào?

Đúng là phải nhìn vào lãi suất đầu vào hiện nay mới nói tới chuyện lãi suất cho vay cao hay thấp. Hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) của các NHTM khá thấp, chỉ khoảng 2,7%, bình thường phải khoảng 3 - 3,5% thì mới bảo đảm NHTM hoạt động có lãi trong hoạt động tín dụng. Còn nếu mức độ thấp như hiện nay thì thậm chí NH không có lãi. Điều này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận sinh lời của hệ thống NH rất thấp, chỉ khoảng trên 5% một chút.

Vậy chúng ta có khả năng hạ được lãi suất huy động khi lạm phát năm nay được dự báo rất thấp không thưa ông?

Lạm phát thấp, nhưng cũng không chủ quan vì lạm phát có thể “quay ngoắt đầu” trở lại vào đầu năm tới, khi mà năm nay có 3 biến đầu vào và độ trễ có thể tác động tới lạm phát vào đầu năm tới. Một là, so với mọi năm, tín dụng năm nay tăng ở mức cao, khoảng 17%. Hai là mặt bằng giá cả của một số hàng hóa cơ bản thời gian qua không tăng, trừ giá nước, thậm chí giá xăng dầu còn giảm. Do đó cũng phải đề phòng giá dầu tăng trở lại. Hiện giá dầu bình quân 45 - 50 USD/thùng, nếu tăng lên khoảng 60 - 70 USD/thùng thì giá cả sẽ thay đổi.

Giả sử nếu kỳ vọng lạm phát năm nay khoảng 2% thì đúng là thấp, tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất USD giảm cũng có cơ sở để điều chỉnh giảm lãi suất. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng là mới đây Chính phủ trình UBTVQH về việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và phát hành trái phiếu tại thị trường quốc tế. Nếu Chính phủ được phép phát hành TPCP kỳ hạn 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm với lãi suất thấp hơn cũng là điều kiện tốt để NH xem xét giảm lãi suất. Nhưng quan điểm của tôi là giảm nhưng không nên giảm nhiều quá, người dân lại xoay chuyển vốn đầu tư từ tiền gửi sang các kênh đầu tư khác.

Xin cảm ơn ông!

Bình Nhi

Đại biểu Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên