MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thẻ ATM trong túi vẫn bị rút trộm tiền?

02-12-2015 - 08:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Anh Nguyễn Tấn Thạnh, chủ thẻ ATM của Ngân hàng (NH) Đông Á, vừa khiếu nại NH vì bị rút trộm 29 triệu đồng vào ngày 29-10 trong khi anh vẫn đang giữ thẻ trong bóp.

Ngày 30-11, sau khi gặp và nghe anh Thạnh trình bày hoàn cảnh, NH Đông Á đã chấp nhận tạm ứng hoàn 100% số tiền bị mất, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Anh Nguyễn Tấn Thạnh (công nhân Công ty Pou Yuen) cho biết gia đình gửi tiền vào tài khoản để trang trải chi phí điều trị cho ba anh ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và anh đã rút 10 triệu đồng. Lúc 19g50 ngày 29-10, sau khi tắm xong mở điện thoại ra, anh Thạnh thấy hàng loạt tin nhắn thông báo trừ tiền của NH.

“Chỉ trong vòng từ 19g44 đến 19g49 đã có đến 10 giao dịch rút tiền, mỗi lần rút 2 triệu đồng. Tôi vội mở bóp để kiểm tra thì thẻ ATM vẫn còn. Ngay sau đó, tôi đã gọi điện báo cho tổng đài NH Đông Á yêu cầu khóa thẻ, đồng thời làm đơn yêu cầu NH in chi tiết sao kê, kiểm tra lại thông tin và cho tôi xem camera ghi lại hình ảnh rút tiền từ tài khoản” - anh Thạnh cho biết.

Ngoài ra, anh Thạnh cũng làm đơn trình báo công an, trong đó khẳng định thời điểm bị rút trộm tiền anh đang có mặt tại nhà (ấp Hưng Long, huyện Bình Chánh) và không cho ai mượn hay đánh rơi thẻ. “Việc bị mất tiền trong tài khoản làm cho hoàn cảnh của tôi càng khó khăn hơn vì không biết lấy tiền đâu để điều trị cho ba tôi. Mong cơ quan công an xem xét, điều tra để làm rõ nguyên nhân”, anh Thạnh viết trong đơn.

Tại buổi làm việc với anh Thạnh, bà Võ Thị Thu Hằng, phó giám đốc trung tâm quản lý chất lượng và dịch vụ khách hàng NH Đông Á, cho biết căn cứ dữ liệu NH thu thập được cho thấy nhiều khả năng là giao dịch gian lận. Cụ thể, người rút tiền đã cố tình che camera từ trước nên hình ảnh ghi nhận bị tối, không thể thấy mặt. Trong khi đó, anh Thạnh đã không báo ngay khi giao dịch đầu tiên phát sinh mà sau khi 10 giao dịch xảy ra mới thông báo cho NH, với lý do là đang tắm nhưng không ai có thể kiểm chứng. Đặc biệt, anh Thạnh thừa nhận anh ruột của mình cũng biết mật mã thẻ. “Chính vì vậy, NH phải chuyển sự việc qua cơ quan điều tra” - bà Hằng nói.

Tuy nhiên, do anh Thạnh trình bày rằng cần tiền để trang trải chi phí điều trị nên NH đã tạm ứng bồi hoàn toàn bộ số tiền nhưng anh Thạnh phải ký cam kết rằng nếu kết quả điều tra của cơ quan công an chứng minh các giao dịch này phát sinh từ chính tấm thẻ của anh Thạnh (không cần biết người rút là ai) thì đồng nghĩa khách hàng quản lý thẻ không tốt, NH sẽ thu hồi số tiền tạm ứng bồi hoàn và các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra. Ngược lại, nếu vì lý do gì khác, NH sẽ chuyển sang bồi hoàn chính thức và chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình điều tra.

 

 

Phải bí mật thông tin thẻ

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng nếu nhật ký ATM có lưu tên trên thẻ, nhiều khả năng thẻ dùng để rút tiền là thẻ thật vì thường thẻ giả chỉ có dãy số chứ không có tên chủ thẻ. Theo ông Thoại, nhiều trường hợp chủ thẻ không quản lý thẻ kỹ để người khác lợi dụng dùng thẻ rút tiền xong trả vào chỗ cũ mà vẫn không hay.

Chẳng hạn, nhiều công nhân hay giao thẻ và mật mã nhờ người khác rút tiền, thậm chí còn đọc to mật mã giữa đông người. Một số trường hợp còn thế chấp thẻ và giao mật khẩu để mượn tiền, khi đến kỳ lãnh lương thì người cho vay sẽ đem thẻ đi rút tiền. “Thẻ cũng là tiền nên chủ thẻ phải cẩn thận, lúc nào cũng phải giữ bên người, không đưa thẻ hay tiết lộ mật mã cho người khác, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ nhớ...” - ông Thoại nói.

 

 

Theo Ánh Hồng

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên