MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thẻ thanh toán quốc tế: Tiện ích và bất cập

18-03-2011 - 05:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Thẻ thanh toán quốc tế đang là giải pháp khi không mua được ngoại tệ tại các NHTM hiện nay. Tuy nhiên mức phí chuyển đổi ngoại tệ cao khiến nhiều người vẫn e dè.

Thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ về việc kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, tuần đầu tháng 3, thanh tra các Ban ngành đã được đồng loạt triển khai để kiểm tra, bắt giữ các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép. Thị trường ngoại tệ tự do đóng cửa đồng nghĩa với việc các nhu cầu mua bán ngoại tệ của người dân chỉ có thể gõ cửa các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại tệ - các NHTM.

Tuy nhiên vấn đề xảy ra khi hàng loạt các ngân hàng đều từ chối bán ngoại tệ cho người dân với lý do…không đủ ngoại tệ để bán.

Thậm chí, ngay cả khi NHNN có văn bản 2033/NHNN-QLNH ngày 12/3/2011 gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh… của cá nhân theo các quy định của pháp luật thì đến ngày 15/3, có ngân hàng chỉ giới hạn bán ra…100 USD và giới thiệu khách hàng đến ngân hàng lớn hơn vẫn với lý do không có USD để bán, nếu mua bằng ngoại tệ khác được mua với giới hạn tương đương 3.000 USD.

Tuy nhiên, trong văn bản chỉ đạo các NHTM tháo gỡ việc bán ngoại tệ cho người dân khi có nhu cầu hợp pháp, Thống đốc có yêu cầu toàn hệ thống tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài. Và thẻ thanh toán quốc tế đang là…cứu cánh cho tình trạng không thể mua được ngoại tệ tại các NHTM hiện nay.

Tiện ích

Không ai có thể phủ nhận các tiện ích do thẻ thanh toán quốc tế mang lại.

Thứ nhất là sự tiện lợi không phải mang theo tiền mặt. Thẻ thanh toán quốc tế có 2 loại: thẻ tín dụng (credit card) là thẻ trả tiền sau, thường được không tính lãi trong vòng 45 ngày tuy nhiên đòi hỏi người sử dụng phải chứng minh thu nhập và số tiền chi tiêu có hạn mức, đồng thời lãi suất đối với việc thanh toán quá hạn thường rất cao (từ 18% - 24%/năm). Thẻ ghi nợ (debit card), là thẻ người sử dụng đã có sẵn tiền trong đó, cũng có thể sử dụng để thanh toán ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà không phải đem theo tiền mặt.

Thứ hai là tránh được giới hạn số tiền, khi mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài, chúng ta bị giới hạn chỉ được cầm tối đa 7.000 USD, nếu nhiều hơn phải khai báo, với việc sử dụng thẻ, điều này sẽ không bị giới hạn.

Thứ ba là khả năng quản lý rủi ro: khi bị mất tiền coi như mất hết tài sản, nếu bị mất thẻ, người sử dụng có thể gọi điện cho trung tâm thẻ báo khóa lại thẻ.

Thứ tư là sử dụng trên toàn thế giới: Hiện nay, thẻ nội địa của các ngân hàng trong nước như Vietcombank connect 24, Techcombank F@stAcess … không được chấp nhận thanh toán quốc tế. Các thẻ thanh toán quốc tế của các ngân hàng đều phải liên kết với các hãng thẻ lớn trên thế giới là Visa, Master card, American Express, JCB…và các thẻ này được chấp nhận ở hầu hết các nước trên thế giới, nơi có máy cà thẻ (máy POS) hoặc qua Internet. Khách hàng có thể mua sắm online với nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới mà không cần phải đến tận nơi. Khách hàng có thể rút ngoại tệ bằng tiền mặt ở nước ngoài (máy ATM) tuy nhiên phải chịu phí rút tiền mặt rất cao (vì thế giới không khuyến khích sử dụng tiền mặt) và phí chuyển đổi ngoại tệ.

Thứ năm, được sử dụng các tiện ích gia tăng do nhà cung cấp mang lại, ví dụ như thẻ Agribank Visa/MasterCard, khách hàng được miễn phí bảo hiểm tai nạn chủ thẻ trên phạm vi toàn cầu với số tiền bảo hiểm lên tới 15 triệu đồng đối với thẻ hạng Chuẩn/Vàng và lên tới 5000 USD đối với thẻ hạng Bạch kim khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Agribank.

Đối với Cremium Visa và Master card của Vietinbank khách hàng được tặng Bảo hiểm y tế toàn cầu cho chủ thẻ ngay khi phát hành thẻ với giá trị bảo hiểm 5.000 USD cho thẻ Vàng và 1.000 USD cho thẻ chuẩn. Đối với Visa của Vietcombank cũng được bảo hiểm 5.000 USD cho thẻ Vàng.

Bất cập: Quá nhiều loại phí

Việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế không tránh khỏi các bất cập.

Thứ nhất là việc thu phí chuyển đổi ngoại tệ của các ngân hàng khá cao. Gần như tất cả các ngân hàng đều thu phí chuyển đổi ngoại tệ (Khi dùng thẻ thanh toán hàng hóa/dịch vụ bằng ngoại tệ sẽ bị thu phí chuyển đổi từ VND sang ngoại tệ).

Kể từ đầu năm 2011, hầu hết các ngân hàng đều tăng mức phí này, điển hình như Techcombank ngày 25/1/2011 thu phí 2,5%/tổng số tiền thanh toán, đến ngày 18/3/2011 tới đây tăng lên 4,5%/tổng số tiền thanh toán. Còn tại hầu hết các ngân hàng khác, mức phí dao động từ 2% - 4,5%/tổng số tiền thanh toán và tùy thuộc vào loại thẻ (Visa hay Master card…).

Cá biệt, đối với ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, mỗi giao dịch nước ngoài thu thêm 10% phí trên tổng số tiền giao dịch (giao dịch 1000$ thu 100$ tiền phí), nếu rút tiền mặt ở nước ngoài thì khách hàng phải nộp thêm 75.000 đồng và phí dịch vụ ở các ngân hàng khác. Với HSBC phí giao dịch ngoại tệ là 7%, mới hạ xuống 4,5%/tổng số tiền giao dịch từ ngày 04/03/2011.

Việc thu phí này khiến nhiều người sử dụng cảm thấy khá bất tiện bởi tính ra, mức chênh lệch 4,5% hoàn toàn không nhỏ. Nếu lấy tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 16/3/2011 là 20.658 đồng/USD thì tính ra người sử dụng sẽ phải trả với tỷ giá khoảng 21.587 đồng/USD (chênh lệch 4,5% tiền phí).

(*) Phí của tổ chức thẻ Visa/Master card tùy từng thời kỳ
(**) Thẻ ATM hiện tại chỉ được sử dụng tại máy ATM của Ngân hàng Standard Chartered tại các nước: Hồng Kông, Singapore, UAE, Bahrain, Malaysia, Trung Quốc, Philippines và Pakistan
HSBC hạ phí chuyển đổi ngoại tệ xuống 4,5% từ ngày 04/3/2011

Thứ hai là việc đảm bảo an toàn về thông tin, nhất là đối với các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ để thanh toán trên internet cũng dễ bị hacker lấy cắp mã PIN và tài khoản nếu người dùng bất cẩn sử dụng tại các máy tính công cộng hoặc bị gài phần mềm gián điệp tại máy tính mình mà không biết. Mỗi năm thế giới mất hàng tỷ đô la từ các thẻ tín dụng bị tin tặc đánh cắp thông tin.

Một số thẻ tín dụng mã PIN được ghi ngay trên mặt sau của thẻ tín dụng, do đó khách hàng phải đảm bảo luôn theo dõi quá trình quẹt thẻ của nhân viên thu ngân, hoặc nếu mất thẻ phải báo ngay lại cho ngân hàng để khóa thẻ.

Thứ ba, việc chứng minh thu nhập để mở thẻ credit (có sao kê bảng lương, chứng minh thu nhập khác, hóa đơn điện nước, hộ khẩu..v..v) là một phiền phức giấy tờ thủ tục với nhiều người . Thông thường, hạn mức đối với thẻ tín dụng gấp đôi thu nhập hàng tháng của khách hàng (đối với khách hàng không có thế chấp).

Tại Vietcombank, nếu phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở tài sản bảo đảm, khách hàng sẽ phải mở tài khoản deposit với mức thế chấp là 125% (ví dụ tài khoản có 12,5 triệu đồng được tiêu 10 triệu đồng). Tài sản bảo đảm: tiền mặt, sổ tiết kiệm, phong tỏa tài khoản tiền gửi tại Vietcombank, các loại giấy tờ có giá trị do VCB/các ngân hàng/tổ chức tài chính khác phát hành….

Đối với phát hành thẻ trên cơ sở tín chấp, chỉ chấp nhận đối với tài khoản trả lương qua Vietcombank, Hợp đồng lao động và/hoặc giấy xác nhận của tổ chức/công ty về thu nhập của các nhân đề nghị phát hành thẻ, cam kết của công ty/ tổ chức (theo mẫu của VCB).

Còn trong trường hợp như của VIB, khách hàng thế chấp bằng hình thức phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm thì tỷ lệ Giá trị tài sản đảm bảo/Hạn mức tín dụng là 110% (có 110 đồng được tiêu 100 đồng); Bất động sản hoặc tài sản cầm cố, thế chấp khác, tỷ lệ giá trị TSĐB/Hạn mức tín dụng là 150%. Tín chấp: Đối với doanh nghiệp: Hạn mức tối đa lên đến 200 triệu; đối với cá nhân: Hạn mức linh hoạt cho từng đối tượng khách hàng khác nhau, theo đó hạn mức tối đa cấp lần đầu là 200 triệu, hạn mức tối đa cấp các lần tiếp theo là 300 triệu.

Thứ tư, khách hàng phải trả phí thường niên quản lý thẻ, ví dụ ở HSBC là 300.000 đồng/năm, ở VCB đối với thẻ Visa hạng Vàng là 200.000 đồng/thẻ/năm, hạng chuẩn là 100.000 đồng/năm, tại ACB Maser card/Visa phí thường niên đối với thẻ chuẩn là 300.000 đồng/năm, thẻ vàng là 400.000 đồng/năm…

Trao đổi với CafeF, Ths.Trần Trọng Quốc Khanh – Giám đốc trung tâm Vàng Á Châu nguyên trưởng phòng ngoại hối ACB cho biết mức phí thẻ thanh toán cao là do số người sử dụng rất ít. Nếu số lượng người sử dụng tăng lên thì chắc chắn mức phí sẽ giảm xuống nhiều.

Khi đó người dân sẽ không phải ra ngân hàng mua ngoại tệ mặt để đi công tác. Nó cũng là cách minh bạch hóa chi tiêu nhất là các chi tiêu núp dưới danh nghĩa công tác phí, hay chi phí hợp lý khác.

Dù sao, đây là giải pháp tốt nhất đối với các nhu cầu cấp bách đối với người dân hiện nay khi không mua được USD tại các NHTM.

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên