Thống đốc báo cáo gì về nợ xấu, tái cơ cấu?
Nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN...
- 18-05-2015Vàng đã yên từ góc nhìn Thống đốc
Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn gửi các vị Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, hai vấn đề nóng được cử tri, nhân dân và các đại biểu đặc biệt quan tâm thời gian là nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng chỉ được Thống đốc đề cập khá chung chung.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đã được kiểm soát và xử lý một bước theo các phương án cơ cấu lại được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại. “Từ đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội...”, Thống đốc khẳng định.
Thống đốc cho biết thêm, các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý quyết liệt.
Liên quan tới hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các TCTD, người đứng đầu NHNN khẳng định quá trình này diễn ra mạnh mẽ, an toàn không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.
Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng TCTD đã giảm đi 7 tổ chức. Cụ thể, năm 2014, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc một số trường hợp mua lại, sáp nhập TCTD để vừa xử lý TCTD yếu kém vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh một số ngân hàng thương mại và dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Dự kiến đến cuối năm 2015, hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông tin.
Vấn đề từng khiến các đại biểu Quốc hội lo ngại và liên tục chất vấn là sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc cho biết tính đến cuối năm 2014 chỉ còn ba cặp Ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm ba cặp so với năm 2012). Hơn nữa, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Thống đốc cũng đánh giá, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động. Trong đó,vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 12/2014 là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013; Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”.
Nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát
Về xử lý nợ xấu, sau ba năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến 31/12/2014, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua trên 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).
“Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn”, Thống đốc khẳng định.
Trong hai tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%), diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, con số này vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2015 phải ử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Tuy vậy, những cố gắng của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Thống đốc nêu quan điểm.
Chưa phải dùng ngoại tệ để can thiệp thị trường vàng
Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, mặc thị trường thế giới biến động phức tạp nhưng trong nước diễn biến ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Biến động của giá vàng trong nước không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông tin.
Theo M.Đức