MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 06 sẽ đẩy nhanh quá trình sáp nhập của nhiều ngân hàng nhỏ

04-06-2015 - 10:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhận định này được một công ty chứng khoán đưa ra trong bản tin nhận định thị trường ngày 3/6/2015.

Các điểm mấu chốt của Thông tư 06

NHNN đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 15/7; theo đó yêu cầu các cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng xuống dưới giới hạn cho phép vào cuối năm nay. Ngoài thời hạn nêu trên thì Thông tư còn có một số quy định khác như:

Thứ nhất, các ngân hàng có cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết tỷ lệ sở hữu cộng với lộ trình giảm tỷ lệ này xuống dưới giới hạn cho phép để đảm bảo tuân thủ quy định trong Luật các TCTD chậm nhất là ngày 31/12/2015. Có thể có một số trường hợp ngoại lệ nếu được Thủ tướng chính phủ hay NHNN duyệt.

Thứ hai, trong thời gian chuyển đổi từ ngày 15/7 đến 31/12, cổ đông và bên liên quan sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép không được phép tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu, ngoại trừ trường hợp: (1) nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu phát hành để trả cổ tức (2) mua thêm cổ phần thông qua chào bán ra công chúng nhưng tổng số cổ phần sau khi phát hành phải thấp hơn giới hạn cho phép.

Thứ ba, các ngân hàng không được phép cho vay các cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép kể từ ngày 15/7. Quy định này cũng áp dụng với bên liên quan.

Thứ tư, nếu đến ngày 31/12/2015 không giảm được tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt giới hạn cho phép thì NHNN sẽ có những biện pháp chẳng hạn như buộc NĐT có liên quan hoặc đại diện của NĐT phải rút lui khỏi HĐQT và/hoặc vị trí điều hành; không được phép nhận cổ tức bằng tiền đối với phần cổ phần vượt giới hạn cho phép. Đồng thời áp dụng phương án tái cơ cấu bắt buộc.

Những tổ chức, cá nhân nào đang vượt tỷ lệ sở hữu như quy định?

Theo báo cáo của công ty chứng khoán, thông tư này quy định chi tiết hơn cho Luật các TCTD; trong đó quy định giới hạn sở hữu cho phép là 5% đối với cá nhân và 15% đối với tổ chức và tối đa là 20% đối với tổ chức cộng các bên liên quan.

Công ty chứng khoán này đồng thời nêu cụ thể các trường hợp cá nhân và tổ chức có tỷ lệ cổ phần sở hữu cao hơn giới hạn cho phép sẽ được rà soát triệt để. Trong đó bao gồm EVN nắm 16% cổ phần ABBANK; PVN nắm 52% cổ phần PVcomBank và MSN nắm 19,5% Techcombank. Về các cá nhân, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8% cổ phần Phương Nam Bank trong khi Phó Chủ tịch kiêm TGĐ của Bắc Á Bank nắm 7% cổ phần ngân hàng này.

Thông tư 06 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu NH đang niêm yết

Nhận định của công ty chứng khoán cho rằng, Thông tư xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn cho phép này đã được kỳ vọng từ lâu và là một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề sở hữu chéo.

“Sự thay đổi này là phần chủ chốt trong nỗ lực tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém vì một thông tư như vậy sẽ giải quyết vấn đề cơ cấu sở hữu không rõ ràng; nhiều khi được thực hiện thông qua nguồn vốn vay dài hạn và đây là một rủi ro hệ thống cho cả ngành ngân hàng”.

Tuy nhiên, công ty này cũng lưu ý việc bắt buộc các NĐT phải giảm tỷ lệ sở hữu cũng sẽ gây ra áp lực trong ngành trong năm nay.

Có 5 trong số 33 NHTM vi phạm rõ ràng quy định về tỷ lệ sở hữu trong khi 8 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của cổ đông và bên liên quan cao hơn 20%. Cổ đông của các ngân hàng lớn có thể dễ dàng tìm được người mua nhưng ở các ngân hàng nhỏ sẽ không dễ dàng.

Như vậy một ảnh hưởng của thông tư này sẽ là đẩy nhanh quá trình sáp nhập của nhiều ngân hàng nhỏ với cơ cấu sở hữu vi phạm quy định. Tuy nhiên sẽ không có nhiều NĐT sẵn sàng mua cổ phần (không phải là cổ phần chiến lược) ở những ngân hàng nhỏ này.

Thông tin này có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu các ngân hàng niêm yết do chịu ảnh hưởng chủ yếu của thông tin trên là các ngân hàng chưa niêm yết và thỉnh thoảng giao dịch trên OTC.

Bên cạnh đó, một quy định liên quan (yêu cầu đến cuối năm nay các ngân hàng phải niêm yết) hiện vẫn chưa khiến các ngân hàng xin niêm yết nên có vẻ quy định này sẽ hoãn thi hành sang năm sau đối với một số trường hợp.

Việc một ngân hàng xin niêm yết là phép thử quan trọng về năng lực tồn tại lâu dài của ngân hàng đó vì khi niêm yết ngân hàng sẽ được giám sát một cách chặt chẽ.

Các nhà phân tích của công ty chứng khoán dự đoán rằng các ngân hàng chưa niêm yết đến cuối 2016 nhiều khả năng sẽ trong diện sáp nhập trong tương lai với một ngân hàng khác hoặc tiếp tục được tái cơ cấu.

 

 

Khánh Nhi

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên