MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền đồng những ngày đầu độc lập

29-08-2014 - 17:15 PM | Tài chính - ngân hàng

3 năm đầu sau ngày độc lập, từ chỗ chỉ phát hành đơn lẻ tại một số tỉnh miền Trung, tờ giấy bạc Việt Nam dần đã thay thế hoàn toàn đồng bạc Đông Dương trên toàn quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi lược ghi lại lịch sử phát hành “Giấy bạc Cụ Hồ”, thông qua lời kể và tư liệu của ông Nguyễn Thành Nguyên - một nhà lão thành hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, từng tham gia Ban lãnh đạo của Ban Ngân tín R-C32 (thuộc Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam) thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, vì chưa có đồng tiền riêng để sử dụng, Uỷ ban Hành chánh Cách mạng tại các tỉnh miền Nam đã dùng tiền giấy của Ngân hàng Đông Dương đóng dấu đỏ của Ủy ban Hành chánh kháng chiến để sử dụng. Tuy nhiên, người Pháp vẫn xem vấn đề tiền tệ thuộc chủ quyền của mình nên cuối năm 1945, Pháp tuyên bố huỷ bỏ giấy 500 đồng vàng, cho rằng được in thời chính phủ thân Nhật nên không còn giá trị.

Sự giao thiệp về vấn đề tiền tệ giữa hai chính phủ Pháp - Việt trở nên gay gắt. Chính phủ Việt Nam phản đối Pháp cho phát hành thêm tiền mới, trong khi Chính phủ Pháp thì tuyên bố không chịu trách nhiệm gì về tiền do Việt Nam in ra. Cho đến sau Hội nghị Fontainebleau (từ 6/7-13/9/1946) hai bên mới thỏa thuận được nguyên tắc giá trị đồng bạc Đông Dương so với đồng franc sẽ do hai bên ký kết.

Cuối năm 1946, Thực dân Pháp lăm le trở lại Việt Nam. Hồ Chủ tịch phát động Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lúc này tiền “đồng bạc Cụ Hồ” đã được lưu hành rộng rãi khắp các miền đất nước. Vì thế Chính phủ Việt Nam chủ động ban hành thêm Sắc lệnh 48.SL (ngày 15/5/1947) cho phép phát hành trên toàn cõi Việt Nam những giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng. Tuy nhiên, chiến sự khắp nơi làm việc liên lạc giữa các địa phương và Trung ương gặp nhiều trở ngại, có nơi bị gián đoạn tạm thời.

Để đối phó với tình hình này Chính phủ cho phép các địa phương tại khu vực Trung và Nam bộ phát hành các loại tín phiếu, phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác để lưu hành trong nội bộ khu vực. Các loại tín phiếu được in hình thức gần giống giấy bạc Cụ Hồ. Tuy kỹ thuật in thô sơ nhưng tín phiếu được lưu hành rộng rãi tại hầu hết các tỉnh phía Nam có tác động cổ vũ kháng chiến tích cực mạnh mẽ. Trên các tín phiếu thường có các hàng chữ cổ động như: “Toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm”; “Tích cực chuẩn bị phản công”; “Thi đua lập chiến công”; “Một nước Việt Nam độc lập, một chính phủ Hồ Chí Minh”...

Sau chiến dịch Việt Bắc (1947), cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc bước vào giai đoạn cầm cự. Tháng 3/1948, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh 147.SL cho phép phát hành tại Nam bộ và lưu hành trên toàn quốc tờ Giấy bạc Việt Nam. Một tháng sau đó, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đình chỉ lưu hành tiền đồng của các triều đại phong kiến, đồng thời ra thêm Sắc lệnh 180.SL hủy bỏ giá trị của tất cả các loại giấy bạc của Ngân hàng Ðông Dương phát hành (ngoài tờ bạc 1 đồng và các hào lẻ). Đây chính là “đòn đánh” cuối cùng tạo tiền đề để loại bỏ hoàn toàn giá trị của đồng bạc Đông Dương trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1950 và là cơ sở để Chính phủ ra quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (tiền thân của NHNN Việt Nam) vào 5/6/1951.

Như vậy có thể nói rằng, trong suốt 3 năm đầu sau ngày độc lập, từ chỗ chỉ phát hành đơn lẻ tại một số tỉnh miền Trung, tờ giấy bạc Việt Nam dần đã thay thế hoàn toàn đồng bạc Đông Dương trên toàn quốc. Với việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, “đồng bạc Cụ Hồ” được chuyển sang một giai đoạn mới để đủ sức vượt Trường Sơn vào Nam theo cách mạng. Để rồi cũng lại sau đúng 3 năm ngày giải phóng miền Nam, giấy bạc do Ngân hàng Quốc gia phát hành một lần nữa loại bỏ đồng tiền của chế độ Việt Nam Cộng hòa trở thành đồng tiền chung cả nước vào cuối tháng 4/1978.

Theo Hồng Cường

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên