MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục giảm

22-07-2013 - 11:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Dựa trên 3 yếu tố lạm phát thấp; chênh lệch lãi suất giữa VND và USD giữ ở mức hợp lý và tỷ giá được duy trì ổn định đã tạo kỳ vọng lợi ích lớn hơn cho người nắm giữ VND.

Những năm trước đây, tín dụng ngoại tệ luôn tăng mạnh làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ chống đô la hóa nền kinh tế, nâng cao vị thế VND.

Gần nhất là năm 2010 tín dụng của cả nền kinh tế tăng 27,65%; trong đó tín dụng bằng VND tăng 25,34%, bằng ngoại tệ tăng 37,76%. Năm 2011, với CSTT chặt chẽ của NHNN, đặc biệt là chính sách hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, tín dụng ngoại tệ giảm còn 18,7% song vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng tiền VND chỉ ở mức 10,2%.

Bên cạnh nguyên nhân nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhập siêu nhiều, dẫn đến nhu cầu sử dụng ngoại tệ luôn ở mức cao, một lý do quan trọng khác là do thị trường vàng thời điểm đó chưa được quản lý chặt chẽ, kinh tế vĩ mô thiếu sự ổn định, thể hiện rõ nhất là lạm phát năm 2011 ở mức 18,58%.

Tuy nhiên, sau khi các chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý…, được duy trì từ cuối năm 2011 và, đến nay, đã có đủ thời gian lan tỏa vào chiều sâu của nền kinh tế, nhất là với CSTT của NHNN được điều hành chặt chẽ, theo hướng “ưu tiên” cho tín dụng VND thì tín dụng ngoại tệ bắt đầu giảm mạnh.

Đặc biệt, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành vào tháng 4/2012 thay thế Nghị định 174/1999/NĐ - CP đã góp phần tích cực cho việc ổn định tỷ giá, hỗ trợ điều hành của NHNN để tín dụng ngoại tệ giảm.

Bởi trước đây, theo NHNN, hàng năm NHNN phải cho phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và dự đoán khối lượng nhập không qua đường chính ngạch cũng khoảng 50-70 tấn. Toàn bộ nhu cầu giá trị ngoại tệ để nhập khẩu vàng được rút từ nền kinh tế, cụ thể là nguồn ngoại tệ trong nước.

Do vậy, nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ giá do nhu cầu luôn vượt khả năng giá trị ngoại tệ có sẵn ở trong nước. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngoại tệ lại luôn hấp dẫn hơn VND nên đồng ngoại tệ bị “cánh kéo” giữa các kênh đầu tư khiến cho “giá ngoại tệ” đắt tương đối so với nội tệ.

Song, với hàng loạt các giải pháp của Chính phủ và NHNN như trên, đến cuối năm 2012, trong chỉ số tăng trưởng tín dụng chung đạt khoảng 8,91%, thì tín dụng bằng VND tăng 11,51%, còn ngoại tệ đã giảm 1,56% so với cuối năm 2011. Theo thông tin mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 28/6/2013, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012, từ mức 2,98% của tháng 5/2013. Trong đó, tín dụng VND tăng khá cao ở mức 7,55%, trong khi tín dụng ngoại tệ giảm gần 9,4%.

PGS - TS. Phan Duy Minh – Học viện Tài chính nhận định: tín dụng ngoại tệ giảm là do nỗ lực của NHNN trong thời gian qua. Đặc biệt là trong khi duy trì tỷ giá tương đối ổn định, NHNN đã điều chỉnh trần lãi suất huy động VND và USD theo hướng có lợi cho người gửi và đi vay bằng VND, khiến tín dụng ngoại tệ giảm.

Tuy vậy, theo một lãnh đạo cấp vụ của NHNN, việc kéo tín dụng ngoại tệ về tỷ lệ thấp như hiện nay, nếu xét ở khía cạnh kỹ thuật, thời gian qua chủ yếu dựa vào điều kiện thuận lợi của điều hành CSTT. Đặc biệt, từ tháng 4/2011, NHNN luôn đeo đuổi mục tiêu giữ tỷ giá ổn định. Với chính sách lãi suất, NHNN đã tạo khoảng cách giữa mức lãi suất VND và USD ở mức hợp lý. Cùng với đó, thời gian qua, lạm phát được nỗ lực kéo xuống ở mức thấp 6,81% trong năm 2012.

Như vậy, dựa trên 3 yếu tố lạm phát thấp (giá trị tiền đồng ổn định); chênh lệch lãi suất giữa VND và USD giữ ở mức hợp lý và tỷ giá được duy trì ổn định đã tạo kỳ vọng lợi ích lớn hơn cho người nắm giữ VND thay vì sử dụng ngoại tệ, giúp cho việc tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ và dư nợ ngoại tệ ở mức thấp như hiện nay.

Vì thế, một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho rằng, để tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm và và tiến tới chấm dứt huy động và cho vay bằng ngoại tệ, chuyển hẳn sang mua đứt bán đoạn nhằm chống đô la hóa nền kinh tế thì không thể chỉ dựa vào CSTT, mà nền tảng cơ bản nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.

“Với định hướng điều hành của Chính phủ trong thời gian tới là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và phấn đấu lạm phát từ năm 2015 chỉ còn khoảng 5% thì hoàn toàn có cơ sở để tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm, tăng niềm tin vào VND, góp phần chống đô la hóa nền kinh tế” – chuyên gia ngân hàng trên nhấn mạnh...


Theo Đức Nghiêm

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên