TPHCM: DN trong KCN không được vay vốn do “vướng mặt bằng”
Mặc dù các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) đã đóng tiền thuê mặt bằng một lần trong thời gian dài cho các DN đầu tư hạ tầng KCN, nhưng các DN này lại đóng tiền thuê mặt bằng cho Nhà nước theo từng năm một.
- 28-03-2015Muốn vay vốn, ngân hàng doanh nghiệp phải hiểu nhau
- 26-02-2015Chính phủ yêu cầu đảm bảo tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp
- 04-12-2014"ĐBQH hãy thử đi vay vốn ngân hàng"
Đó là nguyên nhân khiến ngân hàng không chấp nhận việc các DN đi vay lấy mặt bằng hạ tầng của DN mình trong KCN để thế chấp cho các khoản vay. Chính vì vậy, DN khi đã trả nợ cho các Ngân hàng xong thì không được vay lại để đảm bảo dòng tiền phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đây là một vấn đề được nhiều DN hoạt động trong các KCN của TPHCM phản ánh tại Hội thảo “lắng nghe ý kiến doanh nghiệp” trên địa bàn Thành phố do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM tổ chức ngày 27/5.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM cho biết, mặc dù Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, kèm theo là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, nhưng trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc, bất cập đối với các DN trong Khu chế xuất (KCX) và KCN.
Ông Bé cho biết, tuyệt đại đa số các DN đầu tư hạ tầng KCX, KCN đều quyết tâm thực hiện chuyển từ hình thức nộp tiền thuê đất Nhà nước hằng năm sang hình thức nộp tiền thuê đất Nhà nước một lần toàn bộ diện tích khai thác của Khu cho thời gian còn lại. Tuy nhiên vấn đề vướng mắc ở đây nằm ở cách xác định đơn giá, chốt giá của từng thời kỳ, vấn đề trượt giá, thẩm định giá…
Ông Bé kiến nghị các DN thành lập trước ngày 1/1/2006 được chốt giá thuê đất Nhà nước tại thời điểm chuyển từ hình thức thuê đất hằng năm sang hình thức thuê đất một lần theo nguyên tắc đơn giá ban đầu ghi tại 1 trong 3 văn bản (Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng cho thuê đất) được tính thêm phần trượt giá 15% theo chu kỳ 5 năm.
Đối với các DN thành lập sau ngày 1/1/2006 đến ngày 1/7/2014, qua 8 năm, các DN đầu tư hạ tầng KCX-KCN được thành lập, đơn giá thuê đất được xác định trên Hợp đồng thuê đất với Nhà nước dù đã được điều chỉnh hay chưa điều chỉnh cả phần đơn giá và trượt giá nhưng đã được xác định và tính trong dự toán của dự án.
Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM kiến nghị trên cơ sở địa bàn, ngành nghề, tình hình thu hút đầu tư thực tế, chính quyền Thành phố được áp dụng phương pháp nhân hệ số (không quy định dưới 30 tỷ đồng) để xác định đơn giá cho thuê đất của từng trường hợp cụ thể tại thời điểm DN xin chuyển qua hình thức nộp tiền thuê đất Nhà nước một lần cho suốt thời gian còn lại và được chốt giá. Số tiền thuê đất nộp một lần = đơn giá được chốt giá x diện tích thuê đất x thời gian còn lại.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến DN cho biết, một số dự thảo nghị định và các thông tư, DN chưa kịp góp ý hoặc thời gian góp ý quá ngắn, thì thông tư đã ban hành gây khó khăn cho DN.
Chính vì vậy, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su-Nhựa TPHCM và nhiều DN cho rằng, trước khi ban hành các nghị định, thông tư, các bộ, ban, ngành cần tham khảo nhiều ý kiến của cộng đồng DN, trong đó, vai trò của các DN chuyên ngành cụ thể, chịu tác động trực tiếp từ các nghị định, thông tư là rất quan trọng. Bởi chỉ có những DN trong ngành mới hiểu hết được những “ngóc ngách” của các hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành đó.
Cùng với đó, khi ban hành thông tư, nghị định, các đại biểu kiến nghị cần đưa những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong các chuyên ngành cụ thể vào ban soạn thảo. Như thế, thông tư, nghị định mới đi vào thực chất “đời sống” DN. Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng, các bộ, ngành cần phải tiếp thu các phản biện của DN nhiều hơn.